Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu 2023
(Tạp chí Du lịch) – Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) năm 2023 diễn ra từ 28/4 đến hết ngày 22/5/2023 (tức ngày 09/3 đến 4/4 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm giới thiệu, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch Bình Liêu, tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu 2023 có nhiều hoạt động hấp dẫn như Hội Soóng cọ (16/3 âm lịch hàng năm) của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu (từ ngày 05 - 07/5); Hội Kiêng gió (từ ngày 4/4 âm lịch hàng năm) của người Dao huyện Bình Liêu (từ ngày 20 - 22/5). Nét nổi bật của Hội Soóng Cọ là Giải bóng đá nữ; giao lưu hát đối giao duyên của người Sán Chỉ; nghi lễ cầu may; trưng bày dụng cụ lao động sản xuất và hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa, con người xã Húc Động; đêm lửa trại giao lưu hát Soóng Cọ. Năm 2023, làn điệu truyền thống hát đối đáp “Đến thăm nhà” (các gia đình đến thăm nhà nhau và hát đối đáp, hỏi thăm về cuộc sống, sức khỏe...) của bà con dân tộc Sán Chỉ được khôi phục nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Hoạt động này được tổ chức tại một số gia đình thuộc thôn Lục Ngù, xã Húc Động. Hội Kiêng gió được tổ chức với chương trình thi thêu, dệt trang phục của người Dao Thanh phán xã Đồng Văn với các chủ đề cụ thể nhằm chế tác trang phục và sản phẩm du lịch phục vụ du khách (lồng ghép biểu diễn một số tiết mục văn nghệ và nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa người Dao). Chợ phiên ngày Kiêng gió được tổ chức tại chợ Đồng văn (chợ ẩm thực, nông lâm sản, trang phục dân tộc và các công cụ lao động sản xuất)...
Ông Ngò cho biết, huyện đã và đang triển khai các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch như dự án đường kết nối Húc Động - Cao Ly - Đồng Văn - Cao Ba Lanh, đường kết nối đỉnh Cao Xiêm, mở rộng đường từ quốc lộ 18C đến khu di tích danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Lục Hồn, bến xe khách; triển khai đầu tư hạ tầng viễn thông (trạm BTS) phủ lõm sóng các điểm du lịch... Cùng với đó, huyện Bình Liêu phối hợp với doanh nghiệp phát triển các tuyến du lịch trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống người dân bản địa gắn với đời sống, sản xuất; thưởng thức ẩm thực địa phương; khám phá và tìm hiểu các giá trị văn hóa, nghi lễ truyền thống…
Bình Liêu là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, huyện có diện tích 471,4km2, dân số trên 32.000 người, trong đó có khoảng 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ); huyện có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên đất liền với hơn 43km, tuyến biên giới chung đi trên đồi núi phía Tây với độ cao trên 700m so với mực nước biển và sông, suối, đồi núi phía Đông bắc đã tạo nên cảnh quan du lịch biên giới hùng vĩ; Bình Liêu có nhiều đỉnh núi cao từ 1.000-1.500m so với mực nước biển như: đỉnh Cao Xiêm, Pắc Cương, Khe Vằn, Ngàn Chi, Cao Ly…, Bình Liêu còn có thác Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc, rừng nguyên sinh Ngàn Chi, điều kiện tự nhiên cùng với khí hậu, thời tiết trong lành là tài nguyên du lịch sinh thái quý giá, khác biệt.
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán, sản xuất của đồng bào các dân tộc Bình Liêu cũng tạo nên ruộng bậc thang tại các bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Thắng - Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), nhiều bản còn giữ được các nếp nhà với kiến trúc truyền thống mang lại giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) cũng đang được hoàn thiện hạ tầng (cầu cửa khẩu, hệ thống bến bãi, các cơ sở thương mại - dịch vụ), tạo điều kiện cho phát triển du lịch biên giới trên địa bàn…
|
Viễn Nguyệt