Chia sẻ với Tạp chí Du lịch về những điểm mới trong mùa du lịch biển 2023, ông Trương Đình Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoằng Hóa cho hay, mùa du lịch 2023, huyện Hoằng Hóa sẽ đưa tuyến phố đi bộ dành cho du khách dạo chơi, ngắm cảnh ven biển Hải Tiến. Tuyến phố kéo dài từ khu vực sân khấu trung tâm cho đến bến cá của xã Hoằng Thanh. Để có thể chính thức đưa vào hoạt động nhân dịp khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến (dự kiến 28/4), hiện UBND huyện Hoằng Hóa đang khẩn trương xây dựng các ki ốt bán hàng tập trung tại địa điểm đã được quy hoạch, để tạo cảnh quan thông thoáng bên bờ biển, mang đến không gian thoáng đãng cho du khách đi bộ, ngắm cảnh biển.
Nhằm mang đến những trải nghiệm cho khách du lịch về Hải Tiến, Phòng Văn hóa thông tin đã tham mưu kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, như kết nối Phủ Vàng linh từ xã Hoằng Xuân, các công trình văn hóa tâm linh xã Hoằng Trường, khu chùa Bụt, thăm khu tưởng niệm Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, tượng đài lão dân quân anh hùng.
“Điểm đặc biệt của năm 2023 tại Hải Tiến là giải thể thao sôi động được tổ chức trước lễ khai trương mùa du lịch (đầu tháng 4), nổi bật là chương trình biểu diễn dù lượn qua biển Hải Tiến. Do đặc điểm địa hình có nhiều đỉnh núi có độ cao thích hợp, khí hậu cũng như hướng gió, nên việc chọn đưa dù lượn vào chuỗi sự kiện thể thao tại Hải Tiến không chỉ tạo ra sự mới mẻ mà còn mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách”, ông Thịnh nói.
Chia sẻ về những kết quả của du lịch Hoằng Hóa, ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực du lịch vẫn có những tín hiệu rất đáng mừng, với tổng lượt khách du lịch năm 2022 đạt trên 1,5 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 115 cơ sơ lưu trú với 7.430 phòng; trong đó riêng khu du lịch Hải Tiến có 84 cơ sở lưu trú với 6.740 phòng.
“Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19 dẫn tới sự biến động mạnh về đội ngũ nhân lực du lịch trên địa bàn, ngay từ năm 2022 khi dịch bệnh đã cơ bản được ngăn chặn, UBND huyện đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoa; trường Đại học VHTTDL Thanh Hóa; Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng cho trên 500 học viên là đối tượng tham hoạt động du lịch trên địa bàn huyện và cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại khu du lịch biển Hải Tiến”, ông Phúc cho hay.
“Hoằng Hóa xác định du lịch là một trụ cột kinh tế, do đó, chủ trương của huyện là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển các loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch đường thủy, du lịch mạo hiểm...; khai thác các điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống; duy trì và phát huy các hoạt động văn hoá dân gian, lễ hội; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí… nhằm thu hút du khách; tổ chức kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài huyện. Năm 2023 Hoằng Hóa phấn đấu đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách”, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
Hiện nay các doanh nghiệp lưu trú tại khu du lịch Hải Tiến đang tích cực chỉnh trang về cơ sở vật chất để đón khách. Huyện cũng đã chỉ đạo thành lập đội liên ngành để kiểm tra việc niêm yết giá các mặt hàng, các sản phẩm bán cho du khách ở các quầy hàng, với mong muốn làm thật tốt công tác quản lý để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách, thu hút du khách quay về với Hải Tiến nhiều lần.
Theo kế hoạch, hàng loạt sự kiện sẽ được tổ chức trước lễ khai mạc mùa du lịch 2023, như lễ hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân; Lễ hội Cầu Ngư năm 2023 tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường xã Hoằng Trường và khu vực Tượng đài Cụ lão dân quân xã Hoằng Trường.
Một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Hoằng Hóa là việc tổ chức cho các trường THCS trên toàn huyện tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, thông qua những trải nghiệm thực tế để thế hệ trẻ hiểu hơn về quê hương mình, phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, khơi dậy lòng yêu nước…
Một trong những điểm nhấn về du lịch của Hoằng Hóa là hệ thống khách sạn Ánh Phương với số vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng (do Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến đầu tư xây dựng từ năm 2004) – không những “gồng mình” vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của 2 năm đại dịch, công ty đã nỗ lực để hồi phục và từng bước bứt phá. Trao đổi với Tạp chí Du lịch, TS. Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cho biết, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch được khởi động trở lại, ngành du lịchphải đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực quản lý và nhân lực lao động, trong đó, hệ thống nhân sự khách sạn Ánh Phương biến động mạnh, từ chỗ có hàng trăm lao động xuống còn vài người.
“Để đáp ứng với nhu cầu du lịch trong giai đoạn bình thường mới, ngay sau đại dịch, chúng tôi đã tuyển dụng mới nhân viên, mời các cán bộ, giảng viên ở các cơ sở đào tạo du lịch về tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về buồng, bàn, bếp, lễ tân…; bên cạnh đó tiếp tục sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang cơ sở vật chất để phục vụ khách chu đáo nhất có thể”, ông Thảo chia sẻ.
Trên bình diện rộng hơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cũng bày tỏ những trăn trở xung quanh các giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển. Theo ông, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế nên chăng các cấp, các ngành cần dành cho ngành kinh tế được xem là “mũi nhọn” này sự quan tâm thỏa đáng. Có thể là xem xét có những chính sách hỗ trợ để du lịch phát triển, nhất là giai đoạn sau đại dịch, du lịch rất cần liều thuốc trợ lực để hồi phục và bứt phá.
“Du lịch phát triển đã thúc đẩy hàng loạt ngành nghề khác cũng như tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Thực tế Hoằng Hóa cho thấy khi du lịch khởi sắc thì kinh tế, văn hóa, xã hội Hoằng Hóa phát triển rất nhanh chóng, trước đây thu ngân sách của địa phương chỉ vào khoảng 70 tỷ đồng chủ yếu từ thuế nông nghiệp nhưng hiện tại (2022) đã lên tới 2.000 tỷ từ du lịch, làm cho bộ mặt của cả vùng thay đổi…”, ông nói.
“Năm 2023, chúng tôi nắm được tinh thần chỉ đạo của chính phủ là đẩy nhanh tốc độ hồi phục và bứt phá của du lịch bằng nhiều giải pháp, đây là tín hiệu rất tích cực, những người làm du lịch hết sức tin tưởng và sẽ nỗ lực để hoạt động tốt hơn nữa. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ để làm hài lòng du khách, để du khách tiếp tục quay lại Hải Tiến nhiều hơn nữa”, ông Thảo cho biết thêm.
Viễn Nguyệt