Báo cáo sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 nêu rõ, từ lễ hội quy mô quốc gia đến các lễ hội nhỏ phạm vi làng, xã, phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mỹ tục truyền thống của văn hóa lâu đời, tốt đẹp, độc đáo của dân tộc. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc lễ hội, di tích… Hoạt động lễ hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy có hiệu quả.
Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã được triển khai tốt. Các lễ hội diễn ra trong 6 tháng qua hầu hết không còn xuất hiện trường hợp đổi tiền lẻ công khai, không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ, tình trạng nâng giá, ép giá, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng… đã giảm thiểu nhiều so với mùa lễ hội trước. Nhiều di tích, lễ hội ở các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý tiền công đức trong lễ hội và di tích.. Công tác tuyên truyền đã được tăng cường, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh biểu dương các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội thời gian qua, đồng thời, yêu cầu trong thời gian tới các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội; nâng cao vai trò của Ban Tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa và xử lý các sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội; đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường xung quanh di tích phải được quản lý chặt chẽ và đảm bảo sạch sẽ; phải niêm yết công khai giá cả, tránh “chặt chém” du khách; hệ thống hàng quán tại các khu di tích phải được quy hoạch gọn gàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý lễ hội vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như việc cấp phép tổ chức lễ hội chưa có sự giám sát chặt chẽ, có biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi cá nhân; một số di tích vẫn còn hiện tượng hóa nhiều vàng, mã không đúng quy định…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ trưởngBộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan liên quan và địa phương tiếp tục quán triệt tập trung vào công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh về ý nghĩa lễ hội, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh nơi lễ hội; phân công rõ vai trò, trách nhiệm, phạm vi quản lý của từng người trong Ban Tổ chức; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính đối với các lễ hội vi phạm; đảm bảo vệ sinh môi trường trong đó đặc biệt chú ý đến nhà vệ sinh công cộng, hàng quán, cảnh quan di tích; bắt buộc niêm yết giá công khai, quy hoạch không gian hàng quán kinh doanh; chủ động phối hợp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, an ninh trật tự; chấm dứt tình trạng ăn mày, ăn xin, chèo kéo khách…
Bích Vân – Phạm Gia