Cả tỉnh Hưng Yên đều trồng nhãn song ngon nhất là nhãn lồng ở phố Hiến (một thương cảng sầm uất từ thế kỷ 16, được mệnh danh là Tiểu Tràng An). Sở dĩ có tên là nhãn lồng bởi khi hoa nhãn mới nhú quả, người trồng đã đan rọ tre để che chắn tránh chim thú ăn. Trước kia, nhãn lồng Phố Hiến chỉ tiến vua, cây cũng chỉ được trồng khoanh vùng song nay đã được trồng ở khắp nơi. Cây nhãn cống hiến cho đời từ lá, cành, hoa, quả. Gỗ nhãn rắn chắc, đỏ hồng, làm được nhiều đồ dùng. Than nhãn đốt đượm, có thể dùng sắc thuốc bắc vì không độc hại lại tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Nhãn ra hoa đúng vào xuân, hoa bé tí xíu kết chùm trắng ngà trên những tán lá dày xanh thẫm. Khi ra quả sai chi chít, mỗi chùm đến cả trăm quả. Nhãn chín vào tháng sáu âm lịch, cùi trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt và thơm. Nhà bác học Lê Quý Đôn thời Hậu Lê thế kỷ 18 khi được vua ngự ban nhãn lồng, thưởng nhãn xong đã phải thốt lên: mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho.
Nhãn lồng phố Hiến
Mỗi quả nhãn lồng phố Hiến to bằng ngón chân cái, cùi dày cắn ngập răng. Sau khi bóc vỏ, dùng một con dao nhỏ nhọn đầu chích vào quả nhãn tẽ lấy hạt. Nhiều người vui miệng nói “Nhãn lồng bổ phập dao phay”. Dao phay là con dao to bản dài 40cm, rộng 10 - 15cm chuyên để chẻ củi, vậy mà bổ vào quả nhãn nằm lọt trong đó. Câu nói thật ngoa dụ, ngụ ý quả nhãn rất to và mong ước của những người trồng là cố gắng để quả nhãn ngày càng to hơn, ngon hơn.
Hưng Yên trồng nhãn từ thuở khai hoang mở đất, song để tạo được thương hiệu nổi tiếng như ngày nay đã phải trải qua bao nhọc nhằn. Mảnh đất này được mở mang từ thời vua Hùng thứ 18, gắn với câu chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Thuở xưa, lau sậy bạt ngàn, chim trời cá nước, phải suốt 10 thế kỷ trải qua bao chiến tranh, tên rơi đạn lạc mồ hôi đổ xuống cây nhãn mọc lên và thấm nước mắt để chắt chiu thành vị ngọt. |
Nhãn lồng phố Hiến được biết tới chính thức từ khoảng thế kỷ 16 là thứ nhãn quý tiến vua. Hiện nay, vẫn còn khá nhiều cây nhãn cổ thụ trong đó có một cây nhãn tổ đã bốn trăm tuổi được trồng ở trong chùa Hiến. Cây này đã trở thành “bảo tàng sống” về giống nhãn lồng và được Lê Quý Đôn ghi công vào sách “Phủ biên tạp lục” năm 1776.
Các vườn nhãn thu hút rất nhiều ong mật. Con ong thích nhất là mật nhãn, vo ve suốt ngày trên rặng cây cần mẫn lấy phấn hoa và mật hoa làm thành mật ngọt. Thế nên ngoài nghề trồng nhãn lấy quả, Hưng Yên còn có nghề nuôi ong lấy mật ong hoa nhãn thơm nức.
Từ quả nhãn tươi, người ta làm ra sản phẩm long nhãn (nhãn khô) bằng cách bóc vỏ nhãn tươi, cời hạt rồi xếp lên phên tre sấy khô tạo thành những múi nhãn khô dẻo quánh, nâu đen thơm ngào ngạt, ngọt hơn cả đường mật. Long nhãn là vị thuốc bổ âm, điều trị thần kinh, suy nhược, ngâm với rượu uống mỗi ngày sẽ ăn ngon ngủ ngon, tính tình điềm đạm.
Long nhãn
Vào vụ nhãn, các gia đình đều làm món chè nhãn lồng sen mát và bổ. Hạt sen (tươi hoặc khô) sau khi bỏ tâm sen kẻo đắng, ninh nhừ rồi vớt ra để ráo. Nước ninh hạt sen giữ lại pha đường làm nước chè. Tách hạt nhãn lồng rồi lấy từng viên hạt sen lồng vào từng quả nhãn. Kế đó cho một thìa bột đao vào nước sen khuấy đều, đun sôi tới khi sền sệt thì thả nhãn đã lồng sen vào đun sôi, và tắt bếp. Múc nhãn lồng sen ra bát, đổ nước chè vào, rưới một thìa cốt dừa và rắc vài sợi dừa lên trên rồi đem ra bàn thưởng thức. Món ăn thanh tao, ngọt thơm, mát lạnh có thể xua đi những nhọc mệt ngày hè và thể hiện tài khéo léo của những người vợ đảm đang, chiều chồng yêu con.
Bài và ảnh: Chu Mạnh Cường