Việc dùng các chất có thể gây cảm giác mơ màng, hay kích thích làm sảng khoái hết mệt mỏi đã có một lịch sử lâu đời trên toàn thế giới. Ngoài rượu mà dân tộc nào cũng có, thì xưa kia đã thấy phổ biến dùng thuốc phiện ở châu Á, hashik ở Trung Đông, coca ở Nam Mỹ, mescalin trong thổ dân châu Mỹ. Nhưng với nền công nghiệp phát triển, cái gì cũng phải nhanh và nhiều thì việc sử dụng các chất ma túy tổng hợp và theo đường tiêm càng ngày càng trở nên phổ biến.
Những chất kích thích gây nghiện gồm có: cocaine và dẫn xuất, amphetamine và dẫn xuất, các chất gây ảo giác và các chất hòa tan hữu cơ.
Cocaine
Đó là alkaloid lấy từ lá coca mọc ở Nam Mỹ. Tại đó, thổ dân thường nhai lá sống để tạo cho mình một kích thích nhất là vào dịp các lễ hội cần nhảy múa lâu dài. Sau lan sang Tây phương và người ta tinh chế ra cocaine bột trước tiên được dùng như chất gây tê sau trở thành ma túy để hít hay tiêm tĩnh mạch. Cocaine có dạng thể rắn nên phải bẻ vụn ra (crack) mà hút, cho nên mới có danh từ tiếng Anh là crack.
Cocaine khi sử dụng cho một cảm giác sảng khoái cực độ và mọi giác quan đều trở nên tăng nhạy cảm với các kích thích bên ngoài dù nhỏ. Khi nghiện nặng thì hay xảy ra trạng thái hoang tưởng và dễ dàng xúc động. Cơ chế tác dụng của cocaine có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine.
Amphetamine
Ban đầu, đây là một loại thuốc gây thông khiếu khi bị tắc mũi, nhưng rồi thấy nó có tác dụng phụ làm mất mệt mỏi và mất cảm giác đói. Chính vì thế, sau này nó hay được dùng khi cần một sự kích thích rồi trở thành một loại ma túy gây nghiện. Nó có tác dụng kích thích hệ giao cảm và tác dụng cũng tương tự như cocaine nhưng có thời gian tác dụng kéo dài hơn. Dễ tổng hợp cho nên rẻ và được dùng rộng rãi. Khi dùng quá liều thì amphetamin gây ra co giật, loạn nhịp tim và thân nhiệt tăng, gây viêm mạch trong não và chảy máu não. Hiện nay, nhiều dẫn xuất của amphetamin đã được tổng hợp và đều có tác dụng gây nghiện tương tự.
Các chất gây ảo ảnh (hallucinogen)
Đó là một nhóm các chất tổng hợp hóa học không có liên quan với nhau nhưng có tác dụng giống nhau là làm rối loạn giác quan và nhận thức. Phecyclidine (PCP) ban đầu là một thuốc gây mê nhưng có tác dụng gây ảo ảnh và nghiện. Trong một số cuộc vui chơi có người đã dùng để tạo ra những ảo ảnh cho nên có tên gọi là “bụi thần tiên” (angel dust). Nó có thể được dùng theo đường uống, hít hay hút.
Acid lysergic diethyamid (LSD) là một chất gây ảo ảnh phổ biến dùng trong thập kỷ 60 nhưng hiện nay ít dùng hơn. Thuốc này làm sai lệch cảm giác, làm rối loạn suy nghĩ logic, làm thay đổi cảm giác về thời gian và mất cảm tưởng có nhân cách. Khi ngộ độc thuốc này thì có thấy lo sợ và có những tác dụng cường thần kinh giao cảm như tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng thân nhiệt. Quá liều thì gây hôn mê, co giật và ngừng hô hấp. Không thấy có nói đến di chứng thần kinh.
Các chất dung môi hữu cơ
Đã có một thời gian tại một số nước phát triển, người ta thấy học sinh nhỏ tuổi nghiện hít những ống keo dán. Sau người ta nhận thấy đó là do những hóa chất dung môi hữu cơ như trong thuốc đánh móng tay (nitrit amyl) hồ dán, keo dán chất dẻo rồi cả đến khí đốt trong bật lửa. Trong các dung môi này thường có benzen, carbon tetrachlorid, acetone và toluene. Ngộ độc các chất này cũng giống như say rượu. Lượng lớn gây buồn nôn, nôn, ảo giác và cả hôn mê. Nghiện kéo dài có thể gây tổn thương tại não, thận, gan, phổi và hệ thống tạo máu…
Ths.Bs Mai Xuân Phương