Như chúng ta đã biết muốn cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy đạt kết quả phải có các hoạt động can thiệp cần thiết sau:
Điều trị y học bao gồm:
Điều trị cắt cơn, giải độc.
Điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội.
Điều trị phục hồi bao gồm:
Phục hồi tâm lý (hành vi, nhân cách).
Phục hồi năng lực xã hội (trách nhiệm đối với gia đình và xã hội của người nghiện).
Phục hồi năng lực nghề nghiệp.
Ổn định cuộc sống cho người nghiện khi đưa họ về để quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng và gia đình bằng cách giúp họ giải quyết các vấn đề xã hội sau cai như: học nghề, vay vốn, tạo việc làm, định canh, định cư ở các công nông trường nơi môi trường không có ma túy.
Để nhận biết người nghiện ma túy, có thể dựa vào các dấu hiệu về sinh học và các rối loạn về hành vi nhân cách, năng lực xã hội, năng lực nghề nghiệp và những biểu hiện bất ổn dịnh trong cuộc sống của họ.
a. Dấu hiệu về sinh học:
Với những người nghiện ma túy nhóm Opiat: Sau khi ngừng sử dụng ma tuý từ 6 đến 18 tiếng thì sẽ có Hội chứng cai thuốc. Cụ thể là:
Thèm nhớ ma túy.
Ngáp, chảy nước mắt và nước mũi.
Hiện tượng nổi da gà và lấm tấm vã mồ hôi.
Đau mỏi cơ khớp và buồn bực, khó chịu, bứt rứt toàn thân đứng ngồi không yên một chỗ. Dấu hiệu dị cảm (cảm giác giòi bò trong xương: cù).
Mất ngủ, cảm giác nôn nao, bồn chồn, lo âu, sợ sệt.
Đau bụng, đi lỏng.
Mạch nhanh, thân nhiệt hơi tăng.
Đồng tử giãn.
Nếu người nghiện lâu năm lại có bệnh kết hợp kèm theo thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi sử dụng ma túy sẽ có các dấu hiệu như: tinh thần hưng phấn, vẻ mặt sung mãn, hoạt bát khác thường, nói nhiều, nét mặt hồng hào, kết mạc mắt hơi đo đỏ và ướt, đồng tử hơi thu nhỏ.
b. Nhu cầu về tiền càng ngày càng tăng và không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, bán đồ hoặc cầm đồ cá nhân hoặc của gia đình, nợ nần nhiều, có thể sinh ra ăn cắp vặt...
c. Giao du, tụ tập đi lại đàn đúm với những người lạ có lối sống buông thả, bừa bãi không có việc làm, bỏ học hoặc bỏ việc.
d. Tính tình đột nhiên thay đổi thất thường: có lúc vui, lúc buồn, lúc cáu gắt lỳ lợm vô cớ hoặc lặng lẽ, ngại tiếp xúc với người thân trong gia đình, thích ở một mình. Người uể oải, mệt mỏi, lười lao động, ít chăm lo vệ sinh cá nhân, kém ăn, hay lơ đễnh, ngủ vặt, ngáp vặt. Tâm trạng thường lo lắng bồn chồn, đôi khi nói nhiều, thường xuyên nói dối, hay có biểu hiện chống đối và cáu gắt. Chất lượng công việc hoặc chất lượng học tập sa sút.
e. Nề nếp sinh hoạt đảo lộn, thức khuya, đêm ngủ ít, dậy muộn, thường vào phòng vệ sinh quá lâu, hút nhiều thuốc lá...
f. Dùng ma túy một thời gian thì người bơ phờ, sút cân, môi thâm, da sạm.
g. Thỉnh thoảng hay gãi ngứa toàn thân.
h. Trong túi quần, áo, cặp sách, phòng ở thường có nhiều một trong các thứ sau: giấy bạc, thuốc lá, kẹo cao su, bật lửa ga, bơm kim tiêm, viên thuốc, bột thuốc hoặc ống thuốc...
i. Có dấu kim tiêm trên đường đi của tĩnh mạch ở mu tay, mặt trong khuỷu tay, bẹn, cổ, mặt trong mắt cá chân...
Phương pháp phát hiện sau khi vừa dùng ma túy: Sau khi sử dụng “no” ma túy, NNMT trong trạng thái hưng phấn, vẻ mặt sung mãn, mặt hơi hồng hào, mắt đỏ và ướt, trông hoạt bát khác thường. Nếu tuổi trẻ dễ bị kích thích muốn tìm cảm giác mạnh thì gây gổ đánh nhau, tự rạch tay, dùng thuốc lá, đốt chân tay.
Xuân Mai
PV Tạp chí AIDS và Cộng đồng