Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết… để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương khá chặt chẽ. Nhờ vậy công tác phòng, chống ma túy đã thu được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhưng tệ nạn nghiện ma túy và tội phạm ma túy vẫn có xu hướng gia tăng, phát triển ra diện rộng, lây lan ra nhiều đối tượng, cả cán bộ công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.
Diễn biến đối tượng nghiện ma túy qua các giai đoạn
Theo báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2011 số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là: 105.133 đối tượng. Từ năm 1994 đến nay, số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý liên tục tăng qua từng năm. Theo số liệu ban đầu, năm 1994 số có hồ sơ quản lý là 55.445 người, năm 2002 là 105.133 người nghiện, tăng 89,9%. Bình quân tốc độ gia tăng hàng năm là 8,5%, số đối tượng có hồ sơ quản lý tăng chứng tỏ rằng việc quản lý đối tượng đó được tăng cường chặt chẽ hơn qua các cuộc điều tra thống kê và các biện pháp nghiệp vụ khác. Số đối tượng tăng có thể là tăng số nghiện mới cũng có thể là người nghiện cũ nhưng mới phát hiện và đưa vào hồ sơ quản lý. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng tình hình nghiện ma túy có những diễn biến mới, phức tạp được thể hiện qua những vấn đề sau:
Người nghiện ma túy ở lứa tuổi trẻ tăng nhanh, số người nghiện độ tuổi dưới 30 tuổi từ 42% năm 1995 lên đến 75% năm 2001, nhiều tỉnh chiếm tới 80 -90%, vấn đề bức bối là nạn nghiện ma tuy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tuy đã được ngăn chặn nhưng kết quả chưa bền vững, có nơi có lúc vẫn tăng nghiêm trọng.
Tệ nạn nghiện ma túy xâm nhập vào công nhân viên chức, người lao động và con em họ gia tăng ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh...
Tình trạng nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên vẫn chưa giảm, theo báo cáo của Vụ Công tác Chính trị - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: cả nước có 1.366 sinh viên, học sinh nghiện ma túy, gồm 822 học sinh, sinh viên đang tiếp tục học, 544 học sinh, sinh viên đó bỏ học hoặc theo học để cai nghiện. Mỗi năm số học sinh, sinh viên đó tiêu hết 50-60 tỷ đồng.
Trước đây người nghiện ma túy chủ yếu hút thuốc phiện (chiếm 87%), nay phổ biến là: hút, nuốt, đặc biệt là tiêm chích (hơn 70%), trở thành một trong những nguy cơ lây nhiễm HIV lớn nhất hiện nay: ước tính 65,3% tổng số người nhiễm HIV trong cả nước là do tiêm chích ma túy.
Loại ma tuý sử dụng trước đây chủ yếu là thuốc phiện (85% người dùng nay chuyển sang dùng heroin - 70% người nghiện). Ở một số tỉnh, thành phố, tỉ lệ dùng heroin chiếm 80-95%. Ma túy tổng hợp như Amphetamine, Methamphetamine, Etasy... mới xuất hiện ở Việt nam vài năm nay và có khoảng 2% đối tượng nghiện sử dụng (có tỉnh7-8%). Ngoài ra còn các loại ma túy khác như cần sa, cocain, các loại tân dược gây nghiện (Dolagan, seduxen)
Người nghiện có tiền án, tiền sự và tội phạm gia tăng. Năm 1995 là 7,2% người nghiện có tiền án, 12% có tiền sự, nay 20,2% có tiền án (trong đó 3 tiền án trở lên 10%), 29,2% có tiền sự (trong đó 16,3% có từ 3-7 tiền sự). Có tới 90% tội phạm liên quan đến giết người, cướp của, trộm cắp là đối tượng nghiện ma túy.
Qua số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố và các cuộc điều tra cho thấy xu hướng gia tăng người nghiện ma túy là phổ biến nhưng không đồng đều. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm địa lý, đặc điểm phát triển kinh tế xã hội, đặc điểm nghiện của từng khu vực và kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống ma túy, cai nghiện phục hồi ở mỗi địa phương. Tỷ lệ đối tượng nghiện ma túy tăng mạnh ở các tỉnh kinh tế phát triển, mở rộng giao lưu, sản xuất hàng hóa. Tương ứng với nó là việc chuyển sang sử dụng heroin và các dạng ma túy tổng hợp khác. Những tỉnh trước đây trồng cây thuốc phiện thì số lượng đối tượng giảm hoặc tăng không đáng kể.
Nhìn tổng thể, có thể chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1994-1997, số đối tượng nghiện tăng nhanh, nhưng từ 1998-2000 đối tượng nghiện ở nhiều địa phương có xu hướng chững lại và giảm dần. Từ năm 2001, số đối tượng nghiện ma túy có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh, đô thị trọng điểm và đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven Trung bộ, hầu hết các tỉnh trừ một số tỉnh miền núi và Tây Nguyên.
Giai đoạn 1994-1997: năm 1997 số đối tượng có hồ sơ quản lý của cả nước là 71.013 tăng 28% so với năm 1994 (71.013/55.445). Giai đoạn này có tốc độ tăng khá cao, tuy nhiên số lượng giữa các vùng, miền thì mức độ tăng không giống nhau.
Nhìn chung đối tượng nghiện tập trung chủ yếu ở ba khu vực (khu vực 13 tỉnh miền núi phía Bắc, 15 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ) chiếm 93% tổng số đối tượng nghiện của cả nước. 13 tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực trồng cây thuốc phiện và sử dụng thuốc phiện theo phong tục tập quán; khu vực 15 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ là nơi tập trung đông dân cư, nhiều thành phố, đô thị lớn, nơi giao lưu kinh tế giữa các vùng miền. Nếu như hai khu vực 15 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ có tốc độ tăng lớn (tỉ lệ đối tượng nghiện so với cả nước của hai khu vực này năm 1994 là 11% và 21%, đến năm 1997 là 18% và 32%) thì khu vực miền núi có dấu hiệu chững lại và giảm dần (Năm 1994 chiếm 61%, năm 1997 chỉ còn 45%).
Giai đoạn 1998-2000: năm 1998, Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 1998-2000, cả nước đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, truy quét tội phạm ma túy, cai nghiện phục hồi, do vậy hạn chế sự gia tăng đối tượng nghiện. Tính đến tháng 12/2000, số đối tượng có hồ sơ quản lý của cả nước là 90.576, chỉ tăng 4.9% so với năm 1998 (90.567/86.295) các hoạt động cai nghiện phục hồi được tăng cường góp phần kìm hãm tốc độ gia tăng số người nghiện mới ở nhiều địa phương.
Trong 3 năm từ 1998-2000, tốc độ tăng số người nghiện giảm đáng kể so với các năm trước. Nếu năm 1994-1997, số đối tượng có hồ sơ quản lý tăng 28% thì 1998-2000 tăng 5%, riêng năm 2000 so với năm 1999 tăng 0,49%.
Giai đoạn 2001-2002: là giai đoạn đầu thực hiện Quyết định 150/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số đối tượng có hồ sơ quản lý cũng không tăng nhiều, chỉ tăng 5% so với năm 2001, nhưng số lượt người được cai nghiện thì tăng mạnh là 74% so với giai đoạn 1998-2000.
Giai đoạn 2003 – 2009: là giai đoạn có nhiều các hoạt động tích cực hơn nữa.
Nguyên nhân về tình hình phức tạp của ma tuý
Nguyên nhân khách quan:
1. Việt Nam liền kề với khu vực sản xuất ma túy lớn (khu vực Tam giác Vàng và khu vực Trăng lưỡi liềm vàng).
2. Biên giới Việt Nam là biên giới mở (các nước có tường rào kiên cố và có cửa khẩu) phía Bắc có núi non hiểm trở; phía Nam có nhiều kênh rạch, sông ngòi, khó kiểm soát việc vận chuyển ma túy từ các nước vào Việt Nam.
3. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, mở cửa và giao lưu với các nước trên thế giới. Do đó, không tránh khỏi ma túy có “điều kiện” thẩm lậu vào Việt Nam.
4. Tình hình tệ nạn ma túy thực ra mới diễn ra phức tạp trong những năm gần đây, cho nên về kinh nghiệm phòng, chống của nước ta còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan:
1. Do nhận thức và hiểu biết về ma túy còn chưa đầy đủ.
2. Từ đó, dẫn đến sự quan tâm chỉ đạo cũng hạn chế. Cho nên, việc đầu tư chưa đúng mức và thoả đáng về nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và phương tiện).
3. Công tác triển khai, phối hợp chưa đồng bộ, biện pháp chưa toàn diện thiếu sự bàn bạc và thống nhất trong khi kinh nghiệm của Việt Nam chưa có nhiều.
Tệ nạn ma túy là tình trạng nghiện ma túy, tội phạm về ma túy và các hành vi trái phép khác về ma túy.
Thuật ngữ ma túy theo các chuyên gia của Liên hợp quốc có thể được hiểu: Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp khi thâm nhập vào cơ thể con người, sẽ gây tác dụng làm thay đổi trạng thái, ý thức, trí tuệ, tâm trạng của người đó, nếu dùng lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người đó bị lệ thuộc vào nó, lúc đó gây tổn thương và nguy hại cho cá nhân và cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì: ma túy là thực thể hóa học hoặc thực thể hỗn hợp; khác với tất cả những cái được đòi hỏi để duy trì tình trạng bình thường của cơ thể, việc sử dụng những chất đó sẽ làm thay đổi chức năng sinh học của con người.
Thông tư số 22/LB-TT ngày 21/7/1994 Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/TTg ngày 08/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ cũng có hướng dẫn: người nghiện ma túy là người thường xuyên sử dụng đến mức lệ thuộc vào các chất gây nghiện (được gọi chung là ma túy như: hêrôin, cocain, moocfin, thuốc phiện, cần sa...), có sự thèm muốn mãnh liệt khó cưỡng lại được, khi không dùng ma túy sẽ xuất hiện hội chứng cai.
ThS.Bác sỹ Mai Xuân Phương
Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế