Nhà thờ gỗ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918, tọa lạc giữa trung tâm TP. Kon Tum. Công trình này được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương pháp thủ công với kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người dân tộc Bana, là sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Thế nhưng, thật đáng kinh ngạc, gần một thế kỷ trôi qua, thánh đường vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự xuống cấp. Những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong góp phần tạo chiều sâu cho không gian trang nghiêm của nhà thờ, mang đến cảm giác an bình cho du khách.
Nhà thờ chánh tòa Kon Tum là một công trình khép kín gồm thánh đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích, có tác dụng lấy ánh sáng và tạo thêm vẻ tráng lệ. Nhà thờ gỗ Kon Tum chinh phục lòng người không chỉ vì bố cục của nó được sắp xếp hài hòa, kiến trúc của nó lộng lẫy mà cái đẹp nơi đây được tôn thêm nhiều bởi nhà thờ luôn biết nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Nguyễn Sỹ Dũng
(Tạp chí Du lịch)