Ẩm thực Việt Nam mang những nét văn hóa riêng biệt và rất đa dạng, phong phú do đặc điểm địa lý trải dài từ Bắc xuống Nam hơn 2.000km, với ba miền Bắc, Trung và Nam. Với nền tảng và khởi nguồn là nền văn minh nông nghiệp, các món ăn Việt đều xuất phát từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, phụ thuộc vào nguồn nông sản. Món ăn Việt được đánh giá là phù hợp với nhiều đối tượng khách. Các loại đồ uống cũng rất đa dạng, thể hiện theo mùa, gắn với hiện trạng thời tiết và những điều kiện về thiên nhiên, phong tục tập quán theo từng vùng miền. Ngoài ra, trải qua quá trình giao lưu thương mại và các yếu tố lịch sử, ẩm thực Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách chế biến, điều vị của các quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp. Như vậy, có thể khẳng định hệ thống các món ăn Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với những yếu tố đời sống của người Việt, đồng thời chắt lọc những nét tinh hoa của các quốc gia trong khu vực, của châu Á, châu Âu để hình thành văn hóa ẩm thực mang bản sắc riêng.
Người Việt đã tiếp thu và cải hóa các phong cách chế biến món ăn Âu, Á và các giá trị về mặt cảm quan cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình, chính điều đó đã đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam trở nên có giá trị và hấp dẫn khách du lịch trong cũng như ngoài nước.
Từ những năm 1990, ẩm thực trở thành một trong những nét văn hóa được khai thác, chắt lọc để sử dụng cho các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, hội chợ ẩm thực, giới thiệu các món ăn đồ uống truyền thống để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Văn hóa ẩm thực và du lịch ẩm thực bắt đầu được quan tâm nghiên cứu từ trong nhà trường đến các chuyên gia và các học giả trong lĩnh vực văn hóa; nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, nhiều bài viết, công trình nghiên cứu đã được công bố.
Đối tượng khách du lịch ẩm thực tại Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Thời gian đầu, khách du lịch ẩm thực quốc tế đến Việt Nam phần lớn là khách du lịch nữ đến từ Nhật Bản vào cuối những năm 1990, họ là những nữ nhân viên văn phòng có sở thích đi du lịch với mục đích mua sắm và trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực và tham gia các lớp học nấu các món ăn Việt Nam. Dần dần, đối tượng du khách quan tâm đến ẩm thực đã rộng hơn, đa dạng hơn. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn đã nghiên cứu xây dựng các chương trình du lịch ngắn ngày, kết hợp trong các chương trình du lịch lớn hoặc xây dựng nhiều chương trình du lịch giúp du khách trải nghiệm việc lên thực đơn, đi chợ truyền thống mua nguyên liệu và tự nấu món ăn Việt.
Các chương trình du lịch hiện vẫn đang được bán phục vụ khách du lịch ở một số điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch lớn khác: tour ẩm thực Đà Nẵng nửa ngày, tour ẩm thực Huế về đêm của Viet Fun Travel, tour ẩm thực Huế về đêm của Sinh Cafe, tour tham quan và khám phá ẩm thực Sài Gòn của ITE Service, tour tham quan dạy nấu ăn đặc sản Huế của Eagle Tourist... Hình thức đưa du khách đi chợ, nấu nướng và thưởng thức món ăn Việt hiện nay cũng rất phổ biến với sự kết hợp giữa các doanh nghiệp lữ hành và các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, những sản phẩm này có tên gọi là Tour dạy người nước ngoài nấu ăn, được các doanh nghiệp lớn như Diethelm Travel, Hương Việt JSC, Indochina Travel Service, Tonkin, Exotissimo... triển khai thực hiện. Ngoài ra, Saigontourist còn tổ chức chương trình du lịch ẩm thực xuyên Việt cho khách du lịch nước ngoài, đồng thời tổ chức nhiều chương trình du lịch trải nghiệm dạy nấu ăn cho các đối tượng khách tại các khách sạn lớn trong hệ thống tại TP. Hồ Chí Minh.
Để du lịch ẩm thực có thể phát triển tương xứng với tiềm năng, một số định hướng sau đây cần được các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà nghiên cứu quan tâm triển khai trong thời gian tới, cụ thể: cần có chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển loại hình, sản phẩm; tổ chức nghiên cứu đánh giá tổng thể, hệ thống hóa về các giá trị văn hóa ẩm thực trên cả nước, xác định những giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu, các món ăn đồ uống đặc sắc có thể sử dụng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế; nghiên cứu thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực theo vùng miền, theo khu vực và của quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá về văn hóa ẩm thực và các sản phẩm du lịch ẩm thực của trong nước và quốc tế với nhiều hình thức thông qua nhiều kênh trong nước và quốc tế, giúp tăng cường cơ hội tiếp cận đối với ẩm thực Việt cho các đối tượng khách. Các nhà nghiên cứu liên quan cần triển khai nghiên cứu, xác định và cụ thể hóa nội hàm của loại hình, các dạng thức sản phẩm du lịch ẩm thực, nâng cao nhận thức của các chủ thể, các bên liên quan trong việc phát triển loại hình và các sản phẩm du lịch ẩm thực nhiều tiềm năng của Việt Nam.
Tạp chí Cẩm nang Du lịch Lonelyplanet đã bình chọn Những món đặc sản đường phố Việt Nam vào Top 10 tour ẩm thực đường phố hấp dẫn trên thế giới. Cùng với đó, nhiều món ăn Việt đã được các tạp chí chuyên ngành du lịch đưa vào danh sách những món ăn cần thưởng thức một lần trong đời, điều này thể hiện sự đánh giá cao của du khách quốc tế đối với ẩm thực Việt, khẳng định tiềm năng phát triển loại hình du lịch ẩm thực ở Việt Nam. |
Tài liệu tham khảo
1. Barcelola Field Study Centre, Food or Gastronomic Tourism and Rural Development, http://geographyfieldwork.com/FoodTourism.htm (Tham khảo 9/2015).
2. Lê Anh Tuấn, Phạm Mạnh Cường (2012), Khai thác văn hóa ẩm thực để thu hút khách quốc tế, Tạp chí Du lịch, số 1, 30-31.
3. Một số trang thông tin điện tử: Toquoc.gov.vn; vtc.vn; saigontourist.hochiminhcity.gov.vn; geographyfieldwork.com…
PGS.TS. Lê Anh Tuấn
(Tạp chí Du lịch)