Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thuỷ đã điểm lại chặng đường hình thành và phát triển của đơn vị, thành lập năm 1956, từ chỗ chỉ có 7 người, kinh nghiệm nghề nghiệp non trẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị vô cùng thiếu thốn song bằng lòng yêu nghề và sự cống hiến hết mình để phục vụ khán giả, đoàn đã nỗ lực hết mình trong hoạt động, từ những tiết mục nhỏ như Trẩy hội mùa, Em đi tìm Đảng, Con thỏ Ngọc, Cu Tí chăn trâu, Ai làm chủ, Diệt sói lang… được sự yêu mến và cổ vũ động viên của khán giả, các nghệ sỹ đã mạnh dạn dựng những vở diễn quy mô hơn.
Từ 1973 trở đi, không thỏa mãn với hình thức gò bó hạn chế của sân khấu rối truyền thống có tính cổ điển, Nhà hát đã tiến thêm một bước nâng khả năng biểu hiện của sân khấu rối: đa dạng các loại rối, mở rộng không gian, thời gian của sân khấu để tăng sức hấp dẫn. Năm 1984, nhà hát đã sưu tầm, nâng cao tập hợp được chương trình rối nước truyền thống, dân gian gồm 16 trò cổ, mang đi giới thiệu khắp thế giới, được bạn bè đón nhận và nhiệt liệt hoan nghênh.
Hoạt động biểu diễn của Nhà hát ngày càng sôi động, không chỉ phục vụ khán giả trong nước mà còn là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế. Hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Ngô Thanh Thủy nhấn mạnh, những thành tựu mà Nhà hát đạt được không phải là thành tích mà là kỳ tích, xứng đáng là con chim đầu đàn trong biểu diễn và đào tạo, cung cấp nhân lực để hình thành các nhà hát múa rối chuyên nghiệp trên cả nước.
Nhân dịp này, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập hạng III. 02 cá nhân là NSND Nguyễn Thùy Trang và bà Ngô Thanh Thủy được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III. 01 cá nhân của Nhà hát được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng bằng khen cho 04 cá nhân….
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những thành tựu của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh cũng như thời kỳ chuyển đổi cơ chế, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, người lao động của Nhà hát vẫn luôn thủy chung với nghề, kiên nhẫn tìm tòi, mạnh dạn đổi mới. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã bám sát nhiệm vụ chính trị, năng động, sáng tạo để thích ứng với cơ chế thị trường, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế trong lòng công chúng trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, Nhà hát cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; luôn giữ vững và phát huy vai trò là Nhà hát đầu đàn của nghệ thuật múa rối dân tộc. Tập trung nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị của nghệ thuật múa rối mà nhiều thế hệ đã tạo dựng; đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác truyền thông để giới thiệu rộng rãi hơn nữa nghệ thuật múa rối Việt Nam đến với đông đảo nhân dân, để nhà hát trở thành địa chỉ thân thiết, tin cậy của các em thiếu niên, nhi đồng, của khán giả trong nước và du khách quốc tế. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo nghệ thuật, khai thác tối đa kinh nghiệm của nghệ sĩ lão thành để truyền nghề, tạo dựng một thế hệ nghệ sỹ trẻ có đủ đạo đức, trình độ chuyên môn để kế tục, phát triển sự nghiệp nghệ thuật múa rối…
Viễn Nguyệt