Điệu hát của nhân dân lao động
Tưởng như cái tên hát ống, hát ví giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người, bởi loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này đã chính thức vắng bóng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vậy mà giờ đây, những điệu hát dân dã, ngọt ngào ấy đã “sống” lại nhờ tâm huyết của người dân thôn Hậu. Theo những cụ cao niên trong thôn, người ta thường hát ống, hát ví trong các buổi đi cấy, đi cày, làm cỏ, tát nước… để bớt đi những mệt nhọc ngày mùa. Chính vì thế, người Liên Chung còn gọi hình thức hát này với những cái tên mộc mạc hơn, gần gũi hơn: hát cày, hát cấy, hát vơ cỏ…
Ở Liên Chung có ba hình thức hát ví là: ví lẻ, ví vặt và ví cuộc. Ví lẻ, ví vặt có thể hát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với mọi đề tài mà người hát quan tâm. Ví cuộc thường được hát trong những buổi lễ hội với ba giai đoạn: hát chào hỏi, hát giao duyên, nguyện ước và hát tiễn dặn... Nhưng dưới hình thức nào cũng phải có hai bên, thường là một bên nam, một bên nữ. Còn hát ống về bản chất vẫn là hát ví nhưng hai bên hát vào một dụng cụ là chiếc ống tre được bịt da ếch, kết nối với nhau bởi một sợi tơ (như một chiếc micro). Khi một bên hát, âm được truyền qua chiếc ống và đến với người nghe. Tùy thuộc vào cự ly hát mà sợi dây ngắn hay dài, thường thì độ dài khoảng 60 - 70 sải tay. Khi bên này hát, âm thanh làm các màng ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới ống bên kia, người nghe dù đứng xa cả chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ.
Ông Ngô Xuân Nguyên - Chủ nhiệm CLB hát ống - hát ví Liên Chung cho biết, so với các hình thức dân ca khác, hát ví, hát ống có giai điệu khá đơn giản, gần gũi và thường là những câu lục bát vần vè rất dễ nhớ, dễ học, dễ thuộc, đồng thời thể hiện tài ứng khẩu rất tài tình, thông minh dí dỏm. Trong hát ví có thể hát những câu bông đùa, trêu chọc nhau, có thể gây cho bên kia sự bực tức nhưng không bao giờ ghét bỏ, không giận hờn. Ngày xưa các tay thợ cày, thợ cấy, thợ nề… có thể gác công việc một bên để tham gia các canh hát. Có những canh hát kéo dài cả ngày trời, có thể kéo dài cả tuần trăng.
“Dẫu rằng đá nát mà vàng chưa phai”
Tương truyền, trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế ở thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai (1897 - 1909) đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mà khi đó hát ví, hát ống được khá đông người yêu thích. Ông Cả Trọng (con trai cả của Đề Thám) cũng là một trong những người hát ví hay nhất trong nghĩa quân đất hùm thiêng.
Lời hát ví dân dã mà không kém bay bổng đã nuôi dưỡng tâm hồn những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Ví như trong một làn điệu bên nữ hỏi rằng: Em đố chàng / Ở đâu tựa thế vòng cung? / Dãy nào liền mạch trập trùng núi non/Nơi đâu 99 ngọn chon von / Muôn năm soi bóng bên dòng nước xanh... Bên nam sẽ đáp lại: Bắc Giang tựa thế vòng cung / Đông Triều liền mạch trập trùng Bắc Sơn / Phượng Hoàng 99 ngọn chon von / Muôn năm soi bóng bên dòng nước xanh... Trải qua hàng trăm năm, những giá trị mà người Liên Chung gìn giữ thông qua những câu hát ví, hát ống thật đáng trân trọng.
Ông Dương Minh Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, khó khăn lớn nhất là hình thức nghệ thuật này đã bị mai một cách đây khoảng 20 năm, những nghệ nhân có tâm huyết hiện nay không còn nhiều, kinh phí hoạt động của câu lạc bộ còn hạn hẹp. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn từ xã đến thôn sẽ tích cực ủng hộ câu lạc bộ, hỗ trợ kinh phí cho công tác sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn những lời hát cổ, tiến tới đưa hát ví, hát ống vào các trường học trong xã để giới thiệu cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa, tinh thần của quê hương.
Kim Sa
(Tạp chí Du lịch)