Nhiều khó khăn bởi đại dịch
PGS.TS. Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 đã có những tác động rất lớn đến nguồn nhân lực doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Đối với các doanh nghiệp du lịch, nhân viên không có việc làm, buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi không có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, không có kinh nghiệm, không có đối tác trong lĩnh vực nghề nghiệp mới. Bên cạnh đó, một số ngành kinh tế cũng đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến lao động thiếu việc làm, khiến cho việc cạnh tranh, tìm việc càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin khác nhau; đồng thời, thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn đã làm giảm chất lượng đào tạo.
Cũng theo PGS.TS. Dương Văn Sáu, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch đã phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại và “giữ chân” nhân lực. Đã có những doanh nghiệp phải chuyển đổi từ hoạt động kinh doanh du lịch sang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khí đó, các cơ sở đào tạo nhân lực đầu tư đã bổ sung phương tiện, trang thiết bị dạy học, tập huấn chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả mạng xã hội để chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng “đào tạo trực tuyến”, “đào tạo số hóa”.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, công ty đã tìm cách tiết giảm các chi phí nhân sự, mặt bằng để vẫn đảm bảo duy trì thu nhập và quyền lợi cho người lao đ��ng đang tiếp tục làm việc tại Hanoitourist. Trong giai đoạn này, việc bán sản phẩm gần như không triển khai nên công ty tập trung vào đào tạo sử dụng nền tảng mạng xã hội để tương tác với khách hàng. Đặc biệt, giai đoạn này công ty chuẩn hóa các quy trình, sản phẩm, xây dựng data với nhà cung cấp dịch vụ và triển khai bán thử nghiệm một số sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ về nỗ lực vượt khó trong giai đoạn này, Chủ tịch APT kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô Nguyễn Hồng Đài cho biết, đại dịch tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực của các công ty du lịch đặc biệt là lĩnh vực lữ hành là rất lớn. Đối với từng giai đoạn của đại dịch, ngoài tăng cường nguồn lực tài chính dự trữ duy trì hoạt động, công ty phải điều chỉnh chính sách giữ chân nguồn nhân lực phù hợp từ việc hỗ trợ tài chính, cắt giảm lợi ích người lao động, cắt giảm nhân sự, giữ chân các trụ cột. Đồng thời, công ty nghiên cứu và tìm các công việc phù hợp thời gian để tạo thêm việc làm đan xen trong thời gian không có khách du lịch, không có doanh thu, luân chuyển sang một số vị trí mới phù hợp trong hệ thống công ty hay tập đoàn nhằm san sẻ công việc, duy trì nguồn lực có kinh nghiệm.
Liên quan đến kinh doanh nhà hàng, chủ Nhà hàng Bếp Việt Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, nguồn nhân lực của ngành dịch vụ ngày càng cạn kiệt do nguồn nhân lực chuyển đổi ngành nghề do ảnh hưởng bởi dại dịch COVID-19 nên sau khi dịch được kiểm soát sẽ gây thiếu nhân lực trầm trọng. Trong thời điểm hiện tại, nhà hàng thực hiện giảm nhân lực ở những vị trí không cần thiết, giữ chân nhân lực có chất lượng, trả lương một phần và tạo điều kiện để nhân lực có thể cộng tác, kết hợp với công việc khác nhằm kiếm thêm thu nhập.
Cần những giải pháp để tháo gỡ khó khăn
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp du lịch, để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao của ngành Du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác là một bài toán rất khó khăn bởi sẽ phải đào tạo lại nguồn nhân lực để bù đắp lại sự thiếu hụt do dịch chuyển. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, phục vụ khách nên có điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Bên cạnh đó, để sớm hồi sinh cho hoạt động du lịch, Nhà nước phải tiếp sức cho doanh nghiệp khi sức của họ đã cạn kiệt hoặc bị phá sản, đồng thời giữ chân người lao động. Hiện có hai vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, đó là hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập và tránh nguy cơ phá sản. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp cũng như các chế độ khác để lao động du lịch không bỏ ngành.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Phiêu Lưu cùng Mr Linh cho biết, hầu hết người làm trong ngành Du lịch đang điêu đứng vì không có việc làm, không tiền trợ cấp, đặc biệt là những lao động thời vụ; doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng đang đứng trước bờ vực phá sản và rơi vào tình trạng nợ xấu. Do vậy, cần phải có những giải pháp, định hướng, kiến nghị, đề xuất trước mắt, lâu dài giúp doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch vượt qua khó khăn.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho hay, trong lúc khó khăn này, Bộ VHTTDL nên phối hợp với các sở, địa phương và doanh nghiệp đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đời sống người lao động một cách phù hợp với các đối tượng, đặc biệt là có cơ chế cứu doanh nghiệp du lịch. “Những giải pháp cứu doanh nghiệp du lịch lữ hành chính là sự khơi thông nguồn vốn, có cơ chế chính sách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bằng tín chấp thay vì tài sản. Bên cạnh đó, các hỗ trợ về miễn giảm thuế, các khoản bảo hiểm và tiêm vaccine miễn phí cũng là những chính sách doanh nghiệp mong đợi” - ông Tài nhấn mạnh thêm.
Đề cập đến những giải pháp có nguồn nhân lực sau đại dịch, Chủ tịch APT kiêm Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô Nguyễn Hồng Đài cho biết, cần giữ chân các trụ cột để đào tạo những người thiếu kinh nghiệm; chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo để có nguồn cung ứng lao động; nghiên cứu, dự đoán khách phục hồi theo giai đoạn sau đại dịch để chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, kịp thời, đảm bảo chất lượng.
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, Nhà nước, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ đặc biệt như: hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, giảm thuế thuê đất, giãn các khoản nợ trong trung gian, hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch vay với lãi suất ưu đãi thấp. Đối với các cơ sở đào tạo cần thay đổi cách đào tạo, hiện thực hóa bằng việc đến các cơ sở thực tế như khách sạn, công ty lữ hành để hiểu rõ quy trình và cách thức làm việc cho sinh viên sau khi ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn.
Từ thực tiễn, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài chia sẻ, với nhận định về thực tế “chảy máu nguồn nhân lực” trong du lịch do tác động bởi dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, VietSense cùng 5 đơn vị lữ hành của Hà Nội đã cùng bắt tay để triển khai đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực cho nhân viên, sinh viên đang theo học ngành Du lịch, trước mắt là phục vụ cho chính doanh nghiệp. Việc đào tạo được hệ thống lại toàn bộ kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề của các quản lý, lãnh đạo để chia sẻ, huấn luyện một cách nhất quán.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ: “Hy vọng dịch sớm được kiểm soát, vaccine sớm được triển khai rộng rãi, những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi của Chính phủ và các Bộ, trong đó có chính sách quan tâm đến nguồn nhân lực du lịch, từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần tạo đà để doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch nỗ lực vượt khó, sớm trở lại cuộc sống bình thường và kinh doanh ổn định”.
Tuấn Sơn