Đa dạng hóa phương thức, sẵn sàng cung cấp thông tin để nâng cao truyền thông lĩnh vực VHTTDL
Với chủ đề lớn, rộng, Hội nghị nhằm Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại - một trong những yêu cầu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Tại hội nghị, 8 đại biểu đã chia sẻ, bày tỏ quan điểm về truyền thông báo chí ngành VHTTDL. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc tăng cường lan tỏa những giá trị văn hóa trên các kênh thông tin truyền thông, không gian mạng và đời sống cùng các phương thức truyền thông nhằm đem lại hiệu quả cao nhất có thể.
Tăng cường hoạt động văn hóa và truyền thông mở rộng
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm của đất nước... Vì vậy, ngay từ đầu năm, sau khi học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng, Bộ VHTTDL đã yêu cầu chương trình hành động các đơn vị trong Ngành phải đặt lên hàng đầu vấn đề cụ thể hóa Nghị quyết.
Bộ VHTTDL luôn ý thức việc, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của toàn Ngành nhất thiết phải đổi mới về công tác truyền thông và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc Bộ. Do đó, nhiệm vụ đánh giá và định vị lại hệ thống báo chí của Bộ đang quản lý và công tác truyền thông của Bộ trong thời gian qua là cần thiết. Để qua đó, có thể nhìn nhận, đo đếm được những kết quả đã làm được cũng như chỉ ra những tồn tại, khó khăn, hạn chế… nhằm bàn thảo và tìm giải pháp giải quyết triệt để theo lộ trình.
Là đại biểu bày tỏ quan điểm đầu tiên tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, Hội Nhà báo đặc biệt coi trọng công tác truyền thông về văn hóa và đánh giá cao những tác phẩm viết về văn hóa. Trong các giải báo chí như Giải Báo chí Quốc gia, nhiều tác phẩm về văn hóa đã được tôn vinh. Do đó, một trong nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác truyền thông, Bộ VHTTDL cần tổ chức các đợt tập huấn cho phóng viên chuyên ngành viết về văn hóa. Thường xuyên hội thảo, gặp gỡ báo chí, họp báo định kỳ trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động trong các lĩnh vực VHTTDL, nhất là các vấn đề nóng cần định hướng nhận thức.
Đánh giá về công tác truyền thông của Bộ VHTTDL thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhìn nhận, ngành VHTTDL đã chuyển tải, quảng bá những hoạt động đa dạng, phong phú. Các hoạt động của Ngành đã được cập nhật nhiều hơn, thời lượng thông tin dày hơn, hấp dẫn hơn trên báo chí. Và đã có những điều chỉnh phù hợp với giai đoạn chống dịch COVID-19. Từ đó, những lĩnh vực của Ngành đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo ông Lê Hải Bình, nhiều thành công của Bộ vẫn còn “áo gấm đi đêm”, rất nhiều đóng góp của Ngành chưa được thông tin đến xã hội. Ví dụ, thành công của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin về vai trò quản lý nhà nước, định hướng của Bộ VHTTDL, của Tổng cục TDTT.
Do đó, ông Bình gợi ý, Bộ VHTTDL cần xác định mục tiêu lâu dài, chiến lược phù hợp phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược chung của đất nước. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông về vai trò quản lý nhà nước của Bộ và các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, phải lấy hệ thống báo chí truyền thông của Bộ VHTTDL là lực lượng cốt lõi để truyền thông. Ngoài ra, các cơ quan báo chí là lực lượng đồng hành lấy các lĩnh vực của ngành VHTTDL làm chất liệu, chuyển tải một cách hấp dẫn, lôi cuốn người xem...
Hiến kế cho công tác truyền thông của Bộ VHTTDL, dưới góc độ cơ quan truyền thông Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho rằng, lực lượng truyền thông mà Bộ VHTTDL đang sở hữu nhưng chưa khai thác hiệu quả, đó là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các cầu thủ…. Bộ VHTTDL cần khai thác các KOLS có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội là các ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên hàng đầu. Bởi đội ngũ này có lượng fan hùng hậu, lượng theo dõi trên mạng xã hội vô cùng lớn, nếu thông tin về các chính sách của Bộ được họ truyền thông sẽ tác động rất lớn đến nhận thức của người dân.
Thảo luận về các kỹ năng, phương pháp, giải pháp truyền thông, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nêu ra 4 giai đoạn truyền thông chính sách văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và đề xuất cho Việt Nam. 4 giai đoạn, tương ứng với 4 bước trong Chu trình chính sách công, bao gồm: Truyền thông xây dựng chính sách; Truyền thông khi công bố chính sách; Truyền thông thúc đẩy thi hành chính sách; Truyền thông đánh giá chính sách. Trong đó, TS. Hằng nhấn mạnh đến việc nhận thức rõ về vai trò của mạng xã hội và truyền thông trên môi trường internet trong truyền thông chính sách, thể hiện ở sự tham gia của truyền thông xã hội trong cả 4 giai đoạn trong chu trình chính sách công.
Trên cơ sở đó, PGS, TS Hằng cho rằng, mạng xã hội và các công cụ trực tuyến được sử dụng như một nhóm phương pháp và hình thức có tính tất yếu trong truyền thông chính sách văn hoá và quảng bá du lịch ở các quốc gia. Việc sử dụng nó như thế nào trong các bước của chu trình chính sách phụ thuộc vào tính chiến lược của cơ quan quản lý truyền thông (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các đơn vị quản lý tại các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp). Nhận thức đúng về vai trò của mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu trong truyền thông chính sách văn hoá, thể thao và du lịch, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể vận dụng vào việc đổi mới nội dung, phương pháp và nguyên tắc, từ đó đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng mạng xã hội và các công cụ trực tuyến trong truyền thông chính sách văn hoá và quảng bá du lịch ở Việt Nam một cách có hiệu quả hơn.
Chủ động và sẵn sàng cung cấp thông tin đến báo chí
Trước những ý kiến góp ý cởi mở, thẳng thắn của các đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu và đưa vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ của Bộ trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho rằng, văn hóa là vấn đề rộng, tiếp cận, hiểu, vận dụng, xây dựng chiến lược truyền thông phải là cả một quá trình. Để phát triển văn hóa có nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp truyền thông qua báo chí là giải pháp có tính căn cơ, lan tỏa sức mạnh nội sinh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra được những giải pháp có tính căn cơ, bài bản để Bộ VHTTDL lĩnh hội và chỉ đạo công tác truyền thông tốt hơn. Qua hội nghị, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến từ các góc nhìn khác nhau để nhận thức một cách đầy đủ công tác truyền thông của Bộ. Trên cơ sở đó sẽ có cách tiếp cận theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, bắt đầu từ những việc làm cụ thể, làm từ việc dễ đến việc khó, từ việc đơn giản đến phức tạp.
Bộ trưởng cho rằng, từ bài học xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông và đội ngũ báo chí, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu gì cho lãnh đạo Bộ, cho các cơ quan báo chí của Bộ để có nhiều cây bút mà như cố nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. “Phải đưa lực lượng nhà báo này đắm mình trong thực tiễn, rèn luyện trong thực tiễn, từ thực tiễn để cung cấp thông tin, dẫn nguồn cho các báo khác, lan tỏa những điều tốt đẹp” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với giải pháp dùng lực lượng những nghệ sĩ tài năng, những nhà văn có tên tuổi, những cầu thủ xuất sắc… có mối quan hệ, ảnh hưởng nhiều đến xã hội để phát huy sức mạnh nội sinh trong truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo “cần hình thành nhóm, tận dụng được mạng xã hội để lan tỏa, truyền đi được vấn đề mà Bộ ta đang mong muốn. Mỗi cán bộ của Ngành phải biết sử dụng mạng xã hội một cách đúng quy định, phải hướng đến những điều mà chúng ta đang xây dựng, những giá trị Chân, Thiện, Mỹ”.
Để Bộ VHTTDL phát triển công tác truyền thông, báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ chủ động cung cấp thông tin. Coi việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông cùng với báo chí là trách nhiệm của mỗi đơn vị. Không được chủ quan, thỏa mãn, phải chủ động, tích cực.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, các cơ quan báo chí của Bộ cần bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên lĩnh vực văn hóa, để viết đúng, có sức truyền cảm, đa dạng thể loại…; phải tuân thủ chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tăng cường liên kết giữa các cơ quan báo chí trong Bộ với nhau, chủ động phối hợp với với các cơ quan báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng... để lan tỏa những giá trị văn hóa trên các phương tiện truyền thông. Bộ VHTTDL sẽ cung cấp thông tin theo nhiều loại hình: họp báo, phỏng vấn, hội thảo, qua không gian mạng…
Theo Bộ trưởng, để Bộ VHTTDL làm tốt nhiệm vụ của mình, rất cần cần sự đồng hành, góp ý, phản biện của các cơ quan báo chí như: Chiến lược văn hóa; Tổ chức Diễn đàn Văn hóa thường niên hàng năm; Đề xuất và kiến nghị hình thành các thiết chế, và sử dụng hiệu quả các thiết chế; vai trò của Bộ trong vấn đề phát triển thể thao cho mọi người. Từ đó thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ, đề án nâng cao tầm vóc người Việt Nam; Phát triển du lịch trong 5 năm tới theo hướng khắc phục hậu quả dịch bệnh… Đó là những trăn trở, những định hướng của Ngành. Có những vấn đề đã báo cáo Thủ tướng, có những vấn đề đang xây dựng, cần tiếng nói phản biện, góp ý của các cơ quan báo chí. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, “Chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị, sẵn sàng cung cấp thông tin tới báo chí và tin tưởng với tình yêu văn hóa, thể thao, du lịch của các cơ quan báo chí, ngành sẽ đạt được những kết quả nhất định, tích cực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.
Đoàn Hoa
Ảnh: Bùi Lượng