Theo kinh nghiệm của cụ Nguyễn Bá Quảng một nghệ nhân của phường Đồng Ngư, gỗ sung là loại gỗ tốt nhất để làm ra những con rối bởi loại gỗ này nhẹ, dễ nổi trên nước, thớ gỗ lại mịn, không có mấu. Những khúc gỗ ưng ý được cắt ra thành từng phần nhỏ, phơi khô rồi đẽo gọt thành hình thù. Rối Đồng Ngư thường được tạo hình theo những hình ảnh gắn liền với làng quê như: cây đa, giếng nước, sân đình; những hoạt động sản xuất nông nghiệp: cấy lúa, tát nước, đánh nơm, bắt cá… hay những con vật quen thuộc: trâu, bò, long, ly, quy, phượng…
Con rối sinh động hay không phụ thuộc rất nhiều vào trí tưởng tượng và óc sáng tạo của người làm.
Sau khi đẽo thành hình hài, các bộ phận của con rối được đục lỗ và làm nhẵn. Công đoạn này giờ chủ yếu làm bằng giấy ráp nhưng xưa kia mọi người vẫn thường dùng đất sét để trét lên con rối rồi đánh bóng bằng rơm khô, cuối cùng bôi một lớp keo da trâu mỏng trộn với nước. Đây là cách làm thủ công nhưng rất hiệu quả. Các vết sần sùi sẽ trở nên láng mịn, tạo ra một lớp nền lý tưởng để vẽ sơn và dùng sơn ta để sơn rối là tốt nhất. Tuy nhiên, để hoàn thiện một con rối bằng loại sơn này hết sức kỳ công. Thông thường phải sơn đến ba, bốn lớp, sơn xong một lớp lại phải chờ cho khô rồi mới sơn tiếp lớp nữa. Tuy tốn nhiều công sức nhưng lớp sơn sẽ bền, không bị bong tróc khi ngâm nước.
Cụ Quảng tiết lộ: “Sơn vẽ là khâu quan trọng nhất để tạo nên hồn cốt của con rối. Phải vẽ làm sao để nét mặt của các con rối bộc lộ được những xúc cảm mà mình mong muốn cũng như thể hiện đúng theo nội dung của các tích trò. Ví dụ con rối hình liền chị hát quan họ mời trầu thì đôi mắt phải lúng liếng, cái miệng phải chim chím, điệu bộ phải thướt tha; con rối hình rồng thì vừa mềm mại, thanh thoát, vừa toát lên được dáng vẻ uy nghiêm, hay như con rối hình người đi cấy lúa, tát nước phải thấy nét vẻ tươi vui, khỏe khoắn của người lao động…”.
Bài và ảnh: Thương Huyền