Những vật dụng từ gốm sành đã quá quen thuộc với đời sống: chum, vại, chĩnh, vò… vốn đã hoàn chỉnh trong thiết kế của các nghệ nhân làng. Hay là ta đã quen với lối mòn, không thể thoát ra với những tỷ lệ dân gian đúng và đẹp như chân lý ấy, mà đến bây giờ trong những sự sắp đặt hiện đại chúng vẫn góp vào bố cục - thành một phong cách Đông Phương. Dường như gốm sành không dễ cho những biểu cảm đương đại, ấy là trong suy nghĩ đơn giản của nhiều người, và đó cũng chính là khó khăn cho rất nhiều sản phẩm, chỉ là sự sao chép, mô tả, hoặc tiếp nối đi theo đồ mỹ nghệ mà chưa phải là tác phẩm với chất liệu thô sơ ấy.
Phá cách nhưng trọn vẹn nét mộc mạc, sự nguyên sơ của đất nung nhưng chuyển tải rất thành công vẻ đẹp phụ nữ ngoài đề tài tâm linh Phật giáo, phải mười mấy năm trả giá, Nguyễn Tuấn mới có con đường của mình với sự bắt đầu một ngã rẽ cho gốm quê – được đẩy lên thành tác phẩm - tượng nghệ thuật gốm sành.
Sự căng mọng của sành khiến cho mỗi bức tượng phụ nữ của Tuấn mang một sức sống mãnh liệt, người ta không nhận ra đâu là chất liệu, đâu là nội dung gửi gắm của tác giả. Đó là kết hợp nhuần nhuyễn đáng vị nể trong sự - tìm - ra của người nghệ sỹ, khi hài hòa cái nhìn đương đại với tâm hồn thấm đẫm những rung cảm dân gian.
Cụm tượng “Múa” và “Ngồi chơi” là vẻ đẹp của đời sống Việt quanh ta, có thể liên tưởng với tranh dân gian Đông Hồ hay tượng chú Tễu… Tác giả đã bắt được cái hồn vía dân gian tuyệt vời ấy mà truyền tải thành chuyện kể bằng gốm. Nếu những cụm “Múa” có vẻ đẹp hơi “cao ngạo” mà lôi cuốn của những dáng bale cổ điển, nhưng lại rất con người đời thực chứ không hề xa cách như sân khấu, thì với cụm tượng “Ngồi chơi” đầy tính cách, ta sẽ phải mỉm cười bởi luôn là sự dí dỏm thi vị, trong dáng vẻ đàn bà túm năm tụm ba. Ấy là mạch nguồn đời sống nhân văn, cái hồn nhiên của một nửa nhân loại - là phụ nữ, những con người làm nên niềm vui sống.
Tượng của Tuấn là từng nốt nhạc xuân khơi gợi mà dung dị, có thể không hẳn là hoàn chỉnh một chỉnh thể. Tuy chỉ là gợi ý, mà luôn hiện hữu sức sống và tình yêu. |
Đứng trước chất sành màu nâu đỏ của những bức tượng “Dậy thì”, “Đợi”, và “Xuân thì”, ta vừa ngạc nhiên trước hiệu quả của chất liệu, vừa phải thán phục biểu cảm nghệ thuật đạt tới của tác giả. Cái nồng ấm của màu men, cái duyên của gốm làm nên sức lôi cuốn thấm đẫm tuổi trẻ và vẻ đẹp phồn thực. Những tỷ lệ được thay đổi một cách bạo liệt thể hiện khao khát rất bản thể của con người. Những bức tượng, hay cụm tượng, hoặc một bố cục sắp đặt… luôn hoàn chỉnh ở mọi góc, cho đa diện điểm nhìn, đó là điều vốn là khó đạt tới, rất cần với tượng bày trong không gian nội thất. Một không gian với những thiết kế tối giản, theo các modul hiện đại sẽ đem lại cảm giác ấm áp và sống động hơn, bởi những cụm tượng, hay một bức tượng trong chủ đề về người phụ nữ được sáng tạo thành công từ gốm sành Phù Lãng...
Họa sỹ điêu khắc Nguyễn Tuấn đã chọn sự giản lược đến tối ưu làm tôn chỉ cho dòng tượng của mình. Từng nét dân gian trong câu chuyện kể qua hình khối mềm mại, bay bổng giống như dòng chảy từ cội nguồn, như vẻ đẹp dân ca, nhưng lại thật sống động và biểu trưng đương đại chính bởi sự cô đọng của nó. Có lẽ vậy mà những tác phẩm của Tuấn được chọn cho rất nhiều không gian nội thất hiện đại, nhất là các gia đình người nước ngoài sống và làm việc ở Hà Nội. Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Italia đã chọn gốm nghệ thuật của Nguyễn Tuấn để trưng bày ở nhà mình.
Tuấn đã thổi hồn cho gốm sành, và gốm sành mang lại những giai điệu xuân thì, có lẽ gây bất ngờ cho tất cả chúng ta…
Liên Minh
Nguồn: Tạp chí Du lịch