
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng
Cuốn sách tập hợp gần 100 bức ảnh được ông chụp từ năm 2000 trở lại đây, được chia thành ba phần.
Phần thứ nhất, “Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho”, nhấn mạnh vẻ quyến rũ tự nhiên của quang cảnh hồ Gươm và sự gắn bó cũng tự nhiên của biết bao thế hệ người Hà Nội với nơi này, kể từ thuở thiếu thời cho đến khi già lão. Hồ Gươm không chỉ là hồ thiêng trong tâm thức của người Hà Nội mà còn là một nơi chốn tựa như "phòng khách mở rộng" (chữ dùng của GS. John Kleinen - khoa Khoa học ứng xử và Nhân học hình ảnh, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan của biết bao người dân thủ đô.
Phần thứ hai, “Những câu chuyện xã hội”, như một đoạn trích suy tư của cá nhân nghệ sĩ về những xoay chuyển thời cuộc. Hồ Gươm như một xã hội thu nhỏ với đủ những cung bậc thăng trầm, vui buồn, hay dở... Trong những bức ảnh ấy, đau đáu nỗi niềm và biết bao suy tư: hồ Gươm là một di tích - không gian văn hóa bậc nhất của thủ đô cần được giữ gìn cho muôn đời sau; nước hồ Gươm ô nhiễm mấy chục năm nay; rùa hồ Gươm kiệt quệ; quanh hồ Gươm, vô số ổ mối chưa được xử lý, phá hại nhiều cây cổ thụ; năm cây vông cao vút, hoa đỏ như lửa, nhà nho Nguyễn Văn Siêu làm nền cho Tháp Bút "viết lên trời xanh" nay không còn một cây nào và cũng không được trồng thay thế...
Phần ba cuốn sách, “Tu dưỡng thiện tâm”, dành trọn vẹn để giới thiệu quy trình làm chè sen truyền thống ở chùa Phụng Thánh, trên phố Khâm Thiên. Ngôi chùa tuy không ở "quanh hồ Gươm" nhưng lí do để ông chọn nơi chốn và công việc này như một cái kết đẹp cho cuốn sách ảnh được chính nghệ sĩ kiến giải trong Lời đầu sách: "Xưa kia, phía Đông hồ Gươm, nguy nga chùa Báo Ân, 180 gian, hồ sen bát ngát. Năm 1892, Pháp phá chùa, xây công sở (nay chỉ còn lại tháp Hòa Phong). Tiếng chuông ngân văng vẳng và hương sen chùa Báo Ân đã tiếp sức cho tôi thực hiện bộ ảnh "Làm sen ướp chè" tại chùa Phụng Thánh, khi đã vào ngưỡng tuổi 80, cũng là tưởng nhớ khoảng lặng hồ Gươm thoảng hương sen thuở nào...".
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Phùng, với bút danh Quang Phùng, sinh năm 1932, con trai của một vị tri phủ thuộc tỉnh Hà Đông xưa. Quang Phùng sớm trở thành nhân viên của Ủy ban quốc tế về đình chiến ở Việt Nam. Sau đó, ông vào làm việc ở Bộ Ngoại giao và không bao giờ rời chiếc máy ảnh của mình.
Những bức ảnh đầu tiên của Quang Phùng được ông chụp để ghi lại cảnh dân chúng vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng thủ đô (năm 1954). Ông đã chụp phóng sự ảnh Jane Fonda, ngôi sao điện ảnh Mỹ, thăm nhà trẻ ở Hà Nội, tháng 7- 1972. Tháng 12 năm đó, ông chụp được những tấm hình về các nạn nhân đầu tiên trong cuộc ném bom Hà Nội: nhiều gia đình ly tán và hoảng loạn tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát của bệnh viện Bạch Mai.
Nghệ sĩ Quang Phùng đã dùng nhiếp ảnh ghi lại sự biến đổi nhanh chóng của thành phố Hà Nội. Đó cũng chính là đóng góp của ông- với tư cách một nhà nhiếp ảnh- được giới nghề nghiệp và xã hội ghi nhận nhiều nhất. Ông chụp Hồ Gươm bằng tất cả ký ức chồng chất, sâu đậm. “Tôi chụp xong nhiều khi chảy nước mắt” - nghệ sĩ Quang Phùng kể. Và chỉ có ông, mới có được sự kiên nhẫn mỗi ngày vài ba lần dạo quanh hồ Gươm, để ngắm từng bông hoa, từng chồi non, thuộc từng gốc cây bị mối ăn, từng nhánh cây bị cưa gãy, thuộc từng thân phận người bên hồ Gươm. Ông có thể dành một năm hay vài năm trời cho một bức ảnh ưng ý. Có nhiều cảnh ông dành cả chục năm trời chụp đi chụp lại để đối chứng. Ước mong của ông là giữ gìn vẻ đẹp tuyệt vời của hồ Gươm.
Trong làn sóng kỹ thuật số đang lấn lướt, nghệ sĩ Quang Phùng vẫn chụp ảnh bằng phim. Toàn bộ ảnh chụp của ông đều là ảnh chụp tự nhiên, không hề có sự sắp đặt, bố trí, hay lắp ghép, chỉnh sửa. Đây cũng chính là điều khiến ông được đồng nghiệp kính trọng. Thiên nhiên và thực tế xã hội trong khuôn hình của ông được chắt lọc bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đã được đào luyện theo thời gian cộng với sự mẫn tiệp, tinh tế của một nhân viên ngoại giao kỳ cựu. Cuốn sách như là một sự giao hòa giữa đời thực và ước vọng, giữa đạo và đời, tình cảm và suy tư, giữa nghệ thuật và đời sống của tác giả.
Sau cuốn sách ảnh “Dạo quanh hồ Gươm”, nghệ sĩ Quang Phùng dự kiến làm 5 cuốn sách ảnh nữa. Mỗi cuốn sách ảnh của ông ra đời, chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong công chúng, bởi theo GS. John Kleinen, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan: Quang Phùng đã nắm bắt được hình ảnh một thế giới theo cách mà chỉ những người ở độ tuổi và sự trải nghiệm như ông mới có thể có được.
Mai Hồng