Bạn không thể khám phá hết thành phố Sài Gòn nếu không đi vào những con hẻm. Có những con hẻm lớn, hẻm nhỏ, hẻm nọ thông hẻm kia hoặc đơn giản chỉ là con hẻm cụt chẳng dẫn tới đâu. Quanh co, ngoằn ngoèo và hẹp chừng dăm, ba mét nhưng lại dẫn ta đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Tôi hay mường tượng những con hẻm như mạch máu trên lòng bàn tay số phận. Đó chính là mạch sống của phố phường. Có một điều thú vị là hình như, những con hẻm ở Sài Gòn khác rất nhiều những con hẻm của các thành phố khác mà tôi từng đến. Không sâu và tối như hẻm Hà Nội, không buồn và tĩnh như hẻm cố đô Huế, không rộng và thoáng như hẻm thành phố trẻ Đà Nẵng, càng không ngắn như hẻm phố biển Nha Trang, hẻm Sài Gòn có một chút gì đó vừa đủ để nhận ra một khoảng yên bình đến nao lòng.
Anh bạn nhà văn gọi điện hẹn đi uống cà phê. Tôi bảo, anh cứ tới quán trước đi, nhắn cho địa chỉ rồi lát sau em tìm đến. Anh cười trong máy, đây là quán cà phê quen thuộc của mình, không có địa chỉ, chỉ biết đường nhưng ngày nào cũng đến. Và anh dẫn tôi đi. Quán nằm sâu trong hẻm yên tĩnh. Hóa ra, không riêng gì anh bạn nhà văn của tôi mà rất nhiều người khác cũng thích những quán cà phê trong hẻm. Có lẽ, chỉ ở Sài Gòn mới có nhiều quán cà phê trong hẻm mà thôi. Những quán chỉ phục vụ cho một lượng khách nhất định, có gu thẩm mỹ riêng.
Nhớ con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi dẫn vào nhà một người bà con của tôi. Chỉ mới hơn 10m đi bộ là đã bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Ngoài kia, vô vàn những tiếng còi xe náo động và dòng người ùn ùn ngược ngược xuôi xuôi giờ tan tầm, nhưng trong con hẻm này, đập vào mắt tôi là mấy chậu khế cảnh nhà ai đó trồng. Vài nhành hoa tím mỏng manh sao mà thân thương và nhẹ nhõm đến bất ngờ. Tôi không thể nào hiểu được chỉ cách nhau có mấy mét không gian mà đã hình thành hai thế giới đối lập nhau như thế.
Tôi hay có thói quen ngồi uống cà phê mỗi sáng ở ngay con hẻm nơi mình ở trọ. Bà chủ quán là một người thổ cư đã già. Chỉ có hai cái bàn, sáu ghế nhựa, nép nơi ngã ba đường lớn mà mấy chục năm hai ông bà cứ tất bật bán bán mua mua. Vậy mà cũng nuôi đủ năm đứa con, cả trai lẫn gái nên người. Có người bảo ông bà cụ lấn chiếm lòng lề đường nhưng cả tổ dân phố ở đây ai cũng muốn để ông bà cụ bán. Buổi sáng, mọi người trong hẻm ra ngồi uống cà phê, râm ran bán tán mấy chuyện trong hẻm, chuyện con gái nhà thím Năm lấy chồng, chuyện cháu ông Bảy thi đậu đại học hay chuyện đánh nhau bằng tên lửa tận châu Mỹ châu Phi… Đã thành thói quen, quán nhỏ như một phần của con hẻm rồi, bỏ cũng không được.
Một lần, men theo xa lộ Hà Nội, tôi vào một con hẻm ở bên quận 2 khi trời đã nhá nhem tối. Con hẻm dài và nhỏ, hai bên là nhà dân san sát với ánh điện nê-ông hắt ra đường. Qua khe cửa kính, tôi tò mò nhìn những gia đình quây quần bên mâm cơm, nhìn những em bé vô tư xem phim hoạt hình trong khi bố mẹ ngồi bên vừa dỗ dành vừa nựng con ăn một cách âu yếm. Khung cảnh gia đình ấm áp thật giống ở những miền quê nhỏ bé khác mà tôi từng đi qua. Chợt nhận ra rằng, hình như những con hẻm nhỏ bé ấy chính là cầu nối giữa nông thôn và thành thị, nơi mà khoảng cách gần như được rút ngắn đến không ngờ. Tình người, tình quê trong những con hẻm Sài Gòn tuy đơn sơ bình dị mà thắm thiết đến tận đáy lòng.
Đoàn Đại Trí