Một buổi sáng, ở bến đò dưới chân cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, đoàn lữ khách hơn 10 người trên chiếc thuyền sắt mảnh mai bắt đầu rời bến ngược dòng Đà giang hướng tới thị xã Mường Lay, Điện Biên. Thuyền len lỏi vào luồng lạch giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp ẩn hiện sau lớp sương mù trắng đục buổi ban mai. Cảnh vật lung linh, huyền ảo như chốn hoang đường. Xa xa thấp thoáng vài chiếc thuyền đánh cá đang thả lưới.
Nắng lên, sương tan dần trả lại cho mặt sông một màu xanh biếc. Con thuyền tiếp tục đưa chúng tôi đến cột mốc trên đồi Cao Pô giữa mênh mông sóng nước. Đây từng là vị trí đặt trạm phát sóng truyền hình và là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ, trước khi tiến hành một cuộc đại di dân tới 8.435 hộ lên điểm tái định cư tại thị trấn Phiêng Lanh cách đó 30km nhằm nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Quỳnh Nhai bên bờ sông Đà không chỉ là địa danh có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái được thể hiện qua hình ảnh những nếp nhà sàn đều tăm tắp bên sườn núi hay điệu múa xòe thâu đêm để trai gái xứ Mường giao duyên, hoặc phong tục truyền thống đượm màu sắc tâm linh như gội đầu dưới bến nước vào đúng trưa 30 tết (họ tin rằng như thế sẽ gột bỏ được những vất vả, oan trái, xui xẻo của năm cũ, cầu mong năm mới gặp được nhiều may mắn, thịnh vượng).
Chẳng mấy chốc thuyền đi qua Đan Hau - tên một quả núi nằm trơ trọi ven sông có dáng hình tựa hai người đang ngồi kẻ trước người sau…
* *
*
Giữa trưa thuyền lướt qua ranh giới tỉnh Sơn La, chúng tôi ngẫu nhiên bắt gặp chợ phiên bên bến sông bản Pá Na, xã Tủa Khàn, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Rất tiếc nhằm lúc tan chợ nên thuyền bè, kẻ mua người bán chỉ còn lác đác. Duy chỉ còn những thuyền chợ vốn là thuyền gỗ hai tầng chất đầy hàng hóa từ cây kim sợi chỉ, ốc vít cho đến vải vóc, bánh kẹo, ống nước, tivi, tủ lạnh... như là một siêu thị di động vẫn còn neo đậu ven bờ. Anh Tứng, người dân tộc Thái cho biết, chợ xã Tủa Khàn đều đặn họp mỗi tháng ba phiên vào các ngày 10, 20 và 30.
Được biết, các xã dọc sông Đà đều có chợ phiên nhưng chợ phiên của xã này được tổ chức lệch ngày với chợ phiên của các xã khác để tạo điều kiện cho dân bản thuận lợi mua bán. Sống cách xa phố thị, đường sá khó khăn muốn ra xã cũng mất cả nửa ngày đường, nên nhờ vào phiên chợ trên sông mà sinh hoạt, đời sống của dân bản đỡ vất vả.
Sau khi qua khỏi Tủa Khàn, dòng sông Đà bỗng uốn mình khép lại giữa những vách đá cao ngất trời xanh, đồng thời mặt sông bắt đầu chuyển dần sang màu xanh sậm và từng cơn gió giật thổi qua cùng những đợt sóng vỗ vào mạn thuyền làm nước bắn lên tung tóe như ngòi bút miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm... Đây chính là hẻm núi Kang Chua kỳ vĩ nhất trên sông Đà như nhiều người lái đò xuôi ngược thừa nhận.
Có thể do lưu vực tại đây có độ dốc cao, lại chảy qua hẻm núi dài gần chục cây số, rồi sóng nước bào mòn vách đá qua hàng triệu năm kiến tạo nên vô số hang động với những nhũ đá muôn hình vạn trạng treo lơ lửng hoặc nửa chìm nửa nổi trên mặt nước, khiến khách phải ngây ngất trước kiệt tác của mẹ thiên nhiên.
Trước khi vào thị xã Mường Lay, chúng tôi có tham quan dấu tích cầu Hang Tôm từng nổi tiếng một thời là loại cầu dây văng đẹp nhất Đông Dương vào cuối thập niên 1960 và là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Ngày nay cầu cũ đã được tháo dỡ và thay vào đó là cầu Hang Tôm mới bằng bê tông được xây dựng cách vị trí cũ khoảng 600m về phía thượng nguồn nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
* *
*
Mường Lay là một thị xã trẻ, là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, là mảnh đất chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Vẫn còn đó phế tích dinh thự của Đèo Văn Long, ghi dấu một thời dòng tộc họ Đèo cai trị 12 xứ Thái, gieo sự thống khổ cho người dân Tây Bắc.
Chiều muộn, thuyền cập bến Bản Chang thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, chúng tôi rảo bước qua cổng tam quan rồi vượt hơn trăm bậc thang lên viếng đền vua Lê Thái Tổ và bia Lê Lợi trên sườn núi có tên Đồi Tháp. Quần thể di tích có kiến trúc truyền thống bằng gỗ thiết kế từ thấp đến cao bao gồm: sân đại lễ, nhà bia, đền chính giữa cánh rừng toàn hoa ban trắng.
Một ngày ngược dòng sông Đà, đọng lại trong tôi bao cảm xúc, ấn tượng khó quên về những miền đất và con người Tây Bắc.
Trần Thế Dũng
(Tạp chí Du lịch)