Sau khi ăn bữa cơm tối nhẹ nhàng ở một tiệm ăn của người Hoa với những món cay cay đậm chất Quảng Nam, chúng tôi ghé vào Nguyệt, một quán cà phê nho nhỏ nằm nép ở rìa đường. Từ cổng vào cho tới những họa tiết, vật dụng trang trí trong quán đều gợi cho du khách một cảm giác man mác, hoài niệm. Vừa ngồi nhìn chiếc phin cà phê nhỏ long tong những giọt tinh khiết của thời gian, vừa nhìn sang phía bên kia, nơi dòng sông Hoài Phố vẫn bền bỉ dâng hiến những hạt phù sa cho đất mẹ thân yêu, như từ hàng ngàn năm vẫn vậy. Thấp thoáng, giữa những gợn sóng nhấp nhô, vài chiếc thuyền câu lặng lẽ thả trôi qua làn mưa. Tôi lơ đãng thả hồn theo những chiếc vó bè, biết kéo được gì ngoài những hạt mưa rơi?... Xa xa, vài chiếc đèn lồng thắp sớm tỏa ra mấy quầng sáng nhiều màu, như những con đom đóm khổng lồ trong giấc mơ từ thời thơ bé. Khung cảnh vừa thực, vừa hư, vừa đẹp diệu kỳ lại vừa huyền hoặc.
Bao nhiêu năm rồi, đã có vô vàn những trận mưa trút xuống mảnh đất Hội An này, đủ cuốn trôi hưng phế những vương triều. Sao mái ngói, bậc thềm, cây cầu, cùng bức tường rêu mỏng mảnh kia vẫn còn mãi, như bất tử cùng Hội An? Dường như có một sức mạnh thiêng liêng đang lưu giữ vẻ đẹp trường tồn nơi đây.
Và rồi những điều tưởng như nhỏ nhoi ấy lại đang là sợi chỉ kết nối Hội An với hàng triệu triệu du khách trên khắp năm châu, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai xích lại gần nhau hơn trong một mối đồng cảm. Con người nơi đây thật biết nâng niu và giữ gìn vẻ đẹp cổ kính.
Người bạn đi cùng chúng tôi vẫn mải mê nói về Hội An, về nơi hai con khỉ đá đang nhởn nhơ trước chùa Cầu như là minh chứng cho sự bất lực của thời gian, về những dãy nhà cổ phía bên này sông Hoài cùng những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. Nhưng với tôi, Hội An lôi cuốn bởi có những nóc nhà, mái phố và cả nhịp sống chậm mang đến cảm giác thật yên bình...
Đoàn Đại Trí
(Tạp chí Du lịch)