Giữa những bộn bề người và inh ỏi phương tiện giao thông, có hai người thanh niên ngoại quốc đang thong dong dắt chó đi dạo. Đột nhiên, chẳng báo trước, chú chó hồn nhiên “đi vệ sinh” ngay trên vỉa hè. Anh dắt chó ngại ngùng nhìn trước, nhìn sau như hối lỗi (dù chẳng ai đổ lỗi cho anh cả), rồi rút trong túi quần ra một chiếc túi nilon đã chuẩn bị sẵn, cúi xuống thu dọn “sản phẩm” của chú chó, bỏ vào sọt rác gần đó. Rất nhiều người Việt dừng đèn đỏ ở đoạn đường ấy đã ngoái lại nhìn hành động “lạ lùng” của người thanh niên nọ, nhưng rất nhanh, khi đèn chuyển xanh, họ lại hối hả quay trở lại hành trình của mình. Đằng sau những mũ áo, khẩu trang và kính râm kín mít, ai mà biết họ đang suy tư những gì…
Nhiều người quen với việc mang rác từ trong nhà ra đường vứt, mang chó mèo ra đường để đi vệ sinh, trên vỉa hè hay thậm chí trên cả những thảm cỏ được cắt tỉa gọn ghẽ… Bởi có lẽ, trong suy nghĩ của họ, đường chẳng của riêng nhà ai. Nhưng nếu bạn vô tình dừng xe trước cửa một nhà nào đó, dù cánh cổng có đóng kín và hiếm khi có người ra vào đi chăng nữa, thì chỉ ít phút sau, ắt sẽ có người ra tìm bạn với vẻ mặt cáu kỉnh, “đòi” lại không gian cho cổng nhà mình. Sự “sở hữu” này càng rõ rệt hơn khi người ta thản nhiên bày bán hàng hóa chiếm dụng cả vỉa hè, lấn chiếm cả lòng đường. Đường khi ấy bỗng nhiên trở thành sở hữu tư nhân, trước cửa nhà ai, nhà ấy được quyền sử dụng.
Những ngày mùa hè nóng nực, từng mét vuông cỏ trên những giải phân cách giữa đường hay vỉa hè lát đá xanh bên bờ hồ Tây, bờ hồ Trúc Bạch… bỗng dưng đều… “có chủ”. Người ta trải ra đó những chiếc chiếu để bán nước giải khát. Bạn không muốn thuê chiếu của họ cũng không được, vì tất thảy những nơi ấy đều đã được “bảo kê” bởi những bà, những chị đanh đá, chua ngoa, hoặc những anh, những chú mặt mũi bặm trợn. Muốn có chỗ ngồi hóng gió, bạn phải trả một cái giá “cắt cổ”. Còn những người bán hàng, họ thu lợi thật dễ. Gió trời, không gian công cộng bỗng nhiên trở thành những thứ “đáng tiền” cả. Chẳng thế mà người ta có câu “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Ở chốn đô thị phồn hoa đắt đỏ này, mỗi mét vuông đất đều có thể sinh lời. Cũng bởi vậy mà đất “kẻ chợ” ngày càng trở nên “chợ” với đúng nghĩa là nơi huyên náo, xô bồ.
Trang Đào
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)