Ngô đồng minh kỷ vu bỉ cao cương
Phượng hoàng minh hỷ vu bỉ triêu dương.
(Ngô đồng mọc ở gò cao.
Phượng hoàng bay lượn hót chào bình minh).
Đó là hai câu thơ chữ Hán tuyệt hay viết về cây ngô đồng và người bạn tri kỷ của loài cây độc đáo này (phượng hoàng) được ghép bằng sành sứ trên lăng vua Khải Định. Nhưng không chỉ có ở lăng Khải Định, hình ảnh ngô đồng còn xuất hiện nhiều trong trang trí kiến trúc cung đình, đặc biệt, được khắc nổi trên Nhân đỉnh (chiếc đỉnh thứ hai trong bộ Cửu đỉnh hiện đặt tại Thế miếu)… Và hơn hết, ngô đồng xuất hiện ở nhiều nơi trong và ngoài cung điện Huế. Ngô đồng không chỉ có trong truyền thuyết, trên kiến trúc cổ, trên cổ vật, mà thực sự đã hòa nhập vào cuộc sống của đất cố đô.
Ngô đồng có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Quốc, gắn liền với nhiều huyền thoại nổi tiếng.
Phượng hoàng là loài linh điểu, sự xuất hiện của nó được coi là báo điềm lành, tin vui: đất nước có người tài, nhân dân no ấm. Phượng hoàng chỉ chọn ngô đồng để đậu xuống, chính vì vậy hình ảnh về loài chim này trong trang trí kiến trúc cung đình thường gắn liền với vây ngô đồng. Và ngược lại, cũng vì mong muốn loài chim thần tiên này sẽ đến nên trong chốn cung đình, các vua triều Nguyễn mới cho trồng nhiều ngô đồng để chào đón phượng hoàng. |
Theo tư liệu lịch sử, vua Minh Mạng là người đầu tiên đưa ngô đồng từ Quảng Đông về trồng sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. Sau đó, ông ra lệnh cho Bộ Công cử người lên vùng núi Trường Sơn tìm thêm giống cây quý này để nhân rộng ra. Cây ngô đồng thuộc loài thân gỗ, cao đến 15m; lá to, mọc thành từng chùm. Ở Trung Quốc, cây thường trổ hoa vào cuối hạ, đầu thu nên được xem là cây báo mùa thu. Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu (Một lá ngô đồng rụng, Thiên hạ biết thu về) là câu thơ cổ rất nhiều người thuộc. Thơ văn cổ của Trung Quốc và Việt Nam viết rất nhiều về ngô đồng và mùa thu. Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhiều câu hay: Nửa năm hơi tiếng vừa quen, Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng hay Thú quê thuần hức bén mùi, Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Nhưng có lẽ câu thơ đầy cảm xúc của thi sỹ Bích Khê trong bài “Tỳ bà” là được nhiều người yêu thích nhất: Ô hay buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông.
Lạ thay, giống ngô đồng du nhập vào đất cố đô lại rụng lá và trổ hoa vào giữa mùa xuân (thường vào nửa sau tháng hai âm lịch)! Khi lá rụng cũng là lúc ngô đồng bắt đầu ra hoa. Ngô đồng đẹp nhất là lúc chiếc lá cuối cùng trút xuống. Khi ấy, cả cây ngô đồng phủ đầy hoa tím phớt hồng lung linh rực rỡ. Màu sắc ấy càng trở nên lộng lẫy trên nền mái ngói rêu phong u nhã của cung điện Huế. Có lẽ vì quá yêu quý loài hoa ngô đồng nên vua Minh Mạng mới cho chạm hình ảnh ngô đồng vào chiếc đỉnh mang thụy hiệu của ông: Nhân đỉnh.
Thật ra, không chỉ có vua Minh Mạng mà người Huế nào cũng yêu quý ngô đồng. Hơn 30 năm trước, các nhà nghiên cứu đã tìm cách nhân giống loài cây quý này. Ở công viên Thương Bạc, công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương, ngô đồng đã được trồng vài khóm. Đến nay, những cây này đã cao trên chục mét và nở hoa mỗi độ xuân về, bổ sung vào vẻ đẹp của dòng Hương. Cách đây vài năm, Công ty Công viên Cây xanh và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã nhân giống thành công giống ngô đồng và có đủ giống cây cung cấp cho mọi nhà. Người viết bài này may mắn xin được hai cây ngô đồng cao hơn đầu người về trồng trước cổng nhà. Nay cây đã cao gần 5m, cả thân, cành, lá đều xanh biếc và dường như càng xanh tươi hơn sau mỗi mùa thay lá. Nhiều khách phương xa thắc mắc hỏi, đây là giống cây gì, có hoa không? Mỗi lúc như vậy tôi chỉ cười và trả lời nửa thật nửa đùa rằng, đây là loài cây có xuất xứ từ Hoàng cung, tôi trồng để đón phượng hoàng về. Tôi luôn chờ mong những cây ngô đồng của mình sẽ nở hoa. Có thể là 20 năm hay 30 năm nữa nhưng điều đó chẳng hề gì khi ta gieo mầm hy vọng… Rồi sẽ đến lúc Phượng hoàng về đất cố đô, Mùa xuân chín rực hoa ngô năm nào.
Yên Chi
Nguồn: Tạp chí Du lịch