Thành phố Frankfurt, Đức. Ảnh: Internet
Theo báo cáo của Vụ Khách sạn (TCDL), Đức là thị trường khách du lịch lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu, sau Anh, Pháp và Nga. Năm 2014, lượng khách Đức đến Việt Nam đạt 142.345 lượt; tăng trưởng hơn 45% so với năm 2013, cao nhất trong số các nước có khách đến Việt Nam. Tuy số khách du lịch Đức đến Việt Nam chưa cao nhưng đây là một trong những thị trường truyền thống và bền vững của Du lịch Việt Nam. Khách Đức đến Việt Nam thường có sở thích tự khám phá thiên nhiên và tìm hiểu những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc; thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, chèo, hát Then, cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế…
Du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi khi khai thác thị trường khách du lịch Đức: hai nước có quan hệ tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; có đường bay thẳng kết nối Việt Nam và Đức; tại Đức có đông đảo người Việt Nam đang sinh sống và làm việc; Du lịch Việt Nam có khả năng liên kết của với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách Đức…
Năm 2014, Du lịch Việt Nam đã có gian hàng tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Berlin (ITB) tại Đức nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Năm 2015, 2 nước Việt Nam và Đức sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời, kết hợp với Kế hoạch tổng thể xúc tiến du lịch Châu Âu 2015 - 2017 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch sẽ tạo cơ hội lớn để thu hút khách du lịch Đức đến Việt Nam.
Tại buổi báo cáo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản nghiên cứu cũng như đề xuất các giải pháp thu hút khách từ thị trường Đức. Trong thời gian tới, để tăng cường thu hút khách từ thị trường Đức, Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá tới thị trường Đức; phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm tâm lý, thị hiếu và nhu cầu của khách Đức; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
PV