Tại hội thảo, với sự góp mặt của hơn 120 đại biểu trong nước và 7 đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Síp, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore, hội thảo đã thực sự trở thành những cuộc bàn luận sôi nổi với hơn 30 tham luận giới thiệu về các khía cạnh, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử (ĐCTT), chia sẻ thông tin, định hướng cho việc phát triển nhằm đáp ứng công tác bảo tồn, quảng bá hình ảnh loại hình nghệ thuật đặc sắc này trong xu hướng hội nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng địa phương, xã hội chung tay giữ gìn, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng và sự hợp tác, ủng hộ, đồng thuận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế trong quá trình đề cử loại hình nghệ thuật độc đáo này trong tương lai.
Một điều thuận lợi hơn nữa là ngay từ năm 1963, 1972, UNESCO đã biết đến ĐCTT qua sự giới thiệu của GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Các bộ đĩa thu ĐCTT theo lời mời của UNESCO của các ông vẫn được lưu trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc của tổ chức này. Năm 1994, đĩa ĐCTT với tiếng đờn kìm của GS-TS Trần Văn Khê và tiếng đờn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng trở thành đĩa âm nhạc bán chạy nhất tại Pháp.
Từ khi nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 2496/VPCP – KGVX ngày 14/4/2010, Bộ VHTTDL đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chiến lược của Ngành trong giai đoạn 2010 – 2011 là phải nỗ lực hoàn thành đề án xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tính đến nay, Việt Nam đã có nhiều di sản được UNESCO vinh danh, nhưng hầu hết các di sản này đều thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Nam không có một đại diện nào. Đây là một thiếu sót khi hình ảnh Việt Nam, đời sống Việt Nam không được phản ánh cân bằng với bạn bè thế giới, dễ tạo nên cái nhìn không đồng đều về một đất nước thống nhất...”, ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam phát biểu.
Hình thành từ cuối thế kỷ 19, ĐCTT phản ánh rõ nét đời sống, tâm tư, tình cảm của người miền Nam. Đó là sản phẩm của sự giao thoa giữa dòng nhạc cung đình - dòng nhạc đã theo chân các nhạc quan chạy vào Nam theo phong trào Cần Vương - cùng dòng nhạc dân gian nảy sinh trên vùng đất mới trong quá trình đi khai hoang mở cõi. Khi ĐCTT được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ĐCTT sẽ được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là di sản của người dân Việt Nam mà là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ. Từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, mỗi người dân Việt Nam lại càng thêm tự hào khi giới thiệu đến bạn bè thế giới hình ảnh một nước Việt Nam giàu đẹp.
Khoa Thanh