Nghề làm dao kéo
Nói đến nghề làm dao kéo ở Hà Nội không thể không nhắc đến dao kéo Sinh Từ nổi tiếng một thời. Sinh Từ vốn là tên cũ của phố Nguyễn Khuyến ngày nay và lúc đầu chỉ có duy nhất cửa hiệu Sinh Tài của một người dân làng Hòe Thị (còn gọi là làng Canh) có nghề rèn truyền thống mở ra vào cuối thế kỷ 19.
Từ cửa hiệu Sinh Tài, nghề dao kéo đã dần lan truyền ra khắp con phố nhỏ. Dao kéo Sinh Từ có nhiều loại, từ con dao xén giấy, dao phay, dao bài đến các loại kéo, dụng cụ nạo gọt, rồi cuốc, thuổng, mai… Dao để cắt da làm giầy lưỡi phải mỏng, cứng và sắc, dao cạo râu lưỡi sắc mà sống dao phải dày, kéo cắt vải dùng cho thợ may lưỡi phải sắc ngọt.
Để làm ra một con dao tốt, vừa sắc vừa bền, đòi hỏi người thợ phải chọn thép nguyên liệu cho phù hợp đúng với mục đích sử dụng, sau đó phải biết nhìn ngọn lửa trên lò than luyện thép và nhìn độ hồng đỏ trên miếng thép để xác định thời điểm thích hợp đem thép đi rèn thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Đắc Bình, thế hệ thứ 3 của cửa hiệu Sinh Tài cho biết sản phẩm nổi tiếng của dao kéo Sinh Từ chính là những con dao được làm bằng thép bổ (loại dao được sản xuất bằng thép ở giữa và sắt ốp ở hai bên). Dao thép bổ phần lớn được sử dụng để cắt da, cao su trong nghề đóng giày dép hay làm những chiếc đục trong nghề mộc. Loại dao này giá thành cao lại rất kén người sử dụng nên ngày nay hầu như chẳng mấy ai làm.
Đi trên phố Nguyễn Khuyến ngày nay, vẫn còn dăm ba cửa hiệu theo nghề cũ, bày bán đầy đủ các chủng loại dao kéo. Họ tự hào dao kéo Sinh Từ tuy không đẹp bằng dao Thái Lan, kéo Mỹ nhưng là vẫn vật dụng không thể thay thế đối với số đông thợ may, thợ cắt tóc hay đầu bếp nhà hàng, khách sạn và những người “sành” nội trợ.
(Cửa hiệu Sinh Tài tại 15A Nguyễn Khuyến).
Nghề may áo dài
Nghề may áo dài của Hà Nội ngay từ buổi đầu đã gắn liền với những thợ may giỏi người làng Trạch Xá (nay thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Được đào tạo và truyền nghề từ năm 10 – 12 tuổi, trai làng Trạch Xá khi thạo nghề đã rời làng lên Hà Nội mở hiệu may áo dài ở phố Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Hàng Bông và tập trung nhiều nhất là ở phố Lương Văn Can.
Nghề may áo dài của Hà Nội đã có thời hoàng kim với hơn 20 hiệu may trên phố Lương Văn Can dài chưa đầy 1 km, người đến may áo dài nườm nượp, thợ may làm không hết việc. Nhưng vào khoảng những năm 80 của thế kỷ 20, khi áo dài bị thời trang phương Tây áp đảo, nghề may áo dài rơi vào cảnh đìu hiu, nhiều hiệu may buộc phải đóng cửa hoặc chuyển nghề.
Ngày nay, không chỉ có người Việt Nam mà người nước ngoài cũng yêu thích nét đẹp của áo dài. Một số cửa hàng như Đông Trạch, Hưng Trạch, Tân Trạch… trên phố Lương Văn Can giờ là địa chỉ nổi tiếng chuyên may áo dài cho khách du lịch nước ngoài. Bên cạnh những hiệu may của người làng Trạch Xá có từ lâu đời “cha truyền con nối”, Hà Nội xuất hiện thêm nhiều cửa hiệu của người Huế, người Sài Gòn khiến cho tà áo dài vừa mang nét đẹp truyền thống vừa bổ sung thêm nét hiện đại.
(Cửa hiệu Đông Trạch, Hưng Trạch, Vĩnh Trạch hiện ở tại 20, 53, 73 Lương Văn Can).
Nghề cắt tóc dạo
Nghề cắt tóc thịnh hành ở Hà Nội có lẽ phải được tính từ thời Pháp thuộc. Thợ cắt tóc ngày ấy chủ yếu là người làng Kim Liên (Hà Nội) vốn là một làng có nghề truyền thống cắt tóc.
Khi kiểu tóc ngắn của người Tây du nhập vào Hà Nội, họ sắm thêm cây kéo, bổ sung vào hòm gỗ nhỏ đựng đồ nghề và rong ruổi khắp phố phường trên chiếc xe đạp “cà tàng”.
Một người thợ cắt tóc phải mất 1 - 3 năm học mới ra hành nghề được. Không chỉ học kỹ thuật cắt mà họ còn phải học cách nói chuyện với khách để sao cho những người đến cắt tóc đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Bởi thế, đa phần các bác phó cạo của Hà Nội xưa đều là những tay hóm hỉnh, luôn làm người khác bật cười vì những câu chuyện dí dỏm.
Công việc cắt tóc được tiến hành tỉ mỉ từng bước. Khi cắt tóc xong phải đảm bảo không có sợi tóc nào dính trên áo khách mới được coi là đạt kỹ thuật.
Từ những người thợ đi cắt tóc rong, khi đã tích cóp được một chút vốn liếng, một số người mở cửa hiệu riêng. Nổi tiếng một thời là cửa hiệu trên phố Hàng Bông của ông Phạm Ngọc Phúc, ông Cả Lâm, cửa hiệu ở phố Cửa Nam của ông Tống Dư.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, các tay kéo của làng cắt tóc được tập trung thành mô hình tổ hợp tác cắt tóc. Mỗi tổ hợp tác có 10 -12 ghế, cắt tóc nam riêng nữ riêng. Các tổ hợp tác cắt tóc phát triển rầm rộ một thời này chỉ còn sót lại duy nhất cửa hàng cắt tóc ở số 6 Tràng Thi nhưng dưới mô hình hoạt động khác thời kỳ đầu.
Hà Nội của những năm 2000, đây đó, trên phố Quang Trung, Tạ Hiện, Yec-xanh… ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp một bác phó cạo với chiếc gương và cái ghế nhỏ dựng sát bên tường hay dưới gốc cây tán lá xòe rộng, “lách cách” nhịp kéo theo từng đường cắt và nụ cười hóm hỉnh chuyện trò.
Nghề khắc dấu gỗ
Những cửa hàng khắc dấu gỗ ở Hà Nội không nhiều với diện tích rất khiêm tốn trên cùng con phố. Có thể kể ra đây một vài cửa hàng nhỏ ở đầu phố Hàng Quạt, lác đác trên phố Hàng Bông và một cửa hiệu ở 2B Tạ Hiện.
Khách du lịch thích thú với con dấu gỗ ở phố cổ vì sự sáng tạo độc đáo, nét khắc tinh xảo của người thợ và trên hết đây là đồ lưu niệm “hand made” mang đậm dấu ấn cá nhân và nét văn hóa của nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Nghệ nhân khắc dấu Phạm Ngọc Toàn ở số 6 Hàng Quạt cho biết nhiều người nước ngoài đã trở thành khách “ruột” của cửa hàng, đặc biệt là những người Nhật Bản. Do khách hàng chủ yếu là người nước ngoài nên ông cũng phải học nhiều thứ tiếng để nói chuyện và hiểu được nhu cầu của khách.
Hiện nay mỗi cửa hàng khắc dấu gỗ ở Hà Nội đều có khoảng 100 mẫu dấu dưới đủ hình dáng vuông, tròn, chữ nhật, e-lip, lục lăng… với nội dung phong phú: từ con dấu tủ sách gia đình, dấu tên người, tên phố phường, 12 con giáp… Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể yêu cầu thợ khắc theo mẫu riêng của mình. Những người mê thư pháp dùng dấu triện ấn lên bức thư pháp thay cho chữ ký là thường những khách hàng hay dùng mẫu riêng nhất.
Cửa hàng rất nhỏ, biển hiệu cũ kỹ dùng cả tiếng Anh và tiếng Hán, nhiều người sẽ dễ dàng lướt qua cửa hàng khắc dấu gỗ. Dù vậy, những nghệ nhân khắc dấu gỗ vẫn hàng ngày tỉ mỉ với từng nét khắc để thông qua con dấu nhỏ góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Lam Linh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)