Người Huế đến bây giờ vẫn tin theo “dịch lý” và “phong thủy”. Nhà vườn ở Kim Long, Vỹ Dạ, Phước Tích luôn luôn tập hợp một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc - Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Lối đi vào không bao giờ nhìn trực diện vào nhà chính, che cho lối đi là tấm bình phong, người vào nhà phải rẽ hướng khác để vào sân nhà. Sau bình phong bằng vôi, gạch, hay chè tàu, bông cẩn là hòn non bộ và bể cạn - yếu tố minh đường làm nên một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm hướng nội.
Không kể những bình phong cổ rải rác trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, nếu có dịp đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, đây vẫn còn giữ được một số ít bức bình phong cổ tuyệt đẹp, đến xem người ta có cảm giác như bị mê hoặc, do chúng hội tụ được những điều thần bí của phong thủy. Trong thuyết phong thuỷ, bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án”, có chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Về sau bình phong còn thêm chức năng trang trí mỹ thuật trong kiến trúc nhà cổ truyền thống.
Bình phong cổ có đủ loại chất liệu: gỗ, đan mây, vải, đá, gạch... trong đó phổ biến nhất là loại bình phong xây bằng gạch đá, có kích thước lớn, ở ngoài trời. Thường được trang trí công phu bằng cách chạm trổ, ghép sành sứ với các biểu tượng và mô típ: phúc - lộc - thọ - hỷ hay các linh vật như long, lân, quy, phụng, long mã...
Nếu đánh giá cao giá trị mỹ thuật của bình phong cổ, thì không thể không nhắc đến công lao sáng tạo, truyền nghề của các nghệ nhân khảm sành sứ đất Phú Xuân - Thuận Hóa như cụ Bát Mười, ông Trương Cửu Lập. Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ đã xuất hiện ở Huế từ thế kỷ 17, xuất xứ trong dân gian đã du nhập vào nghệ thuật cung đình Huế. Khảm sành sứ vôi nề thường được sử dụng để trang trí ở chùa chiền, am miếu, thường thấy trang trí ở cổng chùa đình, nóc mái, cửa sổ, đặc biệt là bình phong.
Hiện nay tại lăng Tự Đức còn giữ được nhiều bức bình phong khảm sành sứ tuyệt đẹp, tiêu biểu nhất là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các - thuộc Khiêm Cung, còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra tại các khu di tích cung đình như cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu (trong Hoàng Thành), điện Voi Ré, lăng Cơ Thánh và các phủ đệ... còn một số bình phong có giá trị nghệ thuật cao.
Trong số các bức bình phong cổ ở Huế, nổi tiếng nhất là bình phong long mã xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) trước trường Quốc học Huế. Long mã trên bình phong này là nguyên mẫu của hình ảnh long mã trên logo của Festival Huế.
Đối với người Huế, long mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên bình phong, hoành phi để vừa trang trí, vừa có công dụng phong thủy. Nhiều người vẫn tin rằng bình phong trong phong thủy, có chức năng ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Còn có một điều mà không mấy ai biết về chữ “thọ” được lồng vào hình tròn nằm giữa bình phong. Đó là điểm nhấn trang trí vừa là cái gương, qua đó người khách có thể báo trước với chủ nhà về sự hiện diện của mình. Đồng thời, người chủ nhà sửa soạn xong việc đón tiếp, sẽ đứng trước cửa, người khách nhìn qua ô tròn đó và biết mình nên đi vào, tránh sự cập rập cho việc tiếp đón. Chi tiết này là một sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của người Huế!
Những bức bình phong cổ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cần trân trọng, gìn giữ như nhà cổ vậy. Đến Huế, xuôi về Vỹ Dạ, ngược lên Kim Long, ra làng cổ Phước Tích, đâu đâu vẫn thấy cái cảm giác bâng khuâng về dấu xưa nhà cổ, bình phong cổ...
Vũ Hào
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)