![](/FileManager/uploads/images/Nam2011/nghe-an.jpg)
Bãi biển Cửa Lò - Nghệ An
MIỀN ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG DU LỊCH
Các bãi biển của Nghệ An có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bãi tắm thoải, cát mịn, nước trong. Dọc theo bờ biển có các dãy núi đá trầm tích chạy sát bờ biển tạo nên đường bờ khúc khuỷu, lồi lõm, dạng vòng cung nên tạo ra những bãi tắm riêng biệt, rất thuận lợi cho việc khai thác phục vụ du lịch biển. Nước biển tại đây có độ mặn nước không vượt quá 30%, sóng trung bình khoảng 1,8 - 2m rất thích hợp cho hoạt động vui chơi giải trí.
Vùng ven biển Nghệ An có trên 300 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trong đó có 55 di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, vùng ven biển Nghệ An có nhiều lễ hội dân gian, truyền thống. Các lễ hội còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng, tái hiện lại những phong tục, tập quán và cuộc sống của nhân dân vùng biển, có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: lễ cầu ngư, lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Cờ, lễ hội đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội đền Hồng Sơn…Cùng với các lễ hội tại các địa bàn ven biển còn lưu giữ những làn điệu dân ca hò vè, hát ví dặm…
Đặc biệt, vùng ven biển Nghệ An có nhiều món ăn ngon, hấp dẫn khách du lịch như: tôm, cua, ghẹ, mực nháy, cà pháo Nghi Lộc, canh lá Lằng (Quỳnh Lưu), cháo lươn Vinh…
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của Du lịch Nghệ An, lượng khách đến các điểm du lịch vùng ven biển tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình là 22,08%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có xu thế tăng đều hàng năm. Tỷ trọng khách du lịch vùng ven biển hàng năm chiếm từ 92 - 95% tổng lượt khách du lịch đến Nghệ An. Doanh thu du lịch biển có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27%/ năm. Du lịch biển đã đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách của Tỉnh.
CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được quan tâm, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông đến các khu điểm du lịch biển của Nghệ An đã được nâng cấp một bước: Vinh - Cửa Lò, đường Nam Cấm - Cửa Lò, đường ven biển Quỳnh Phương - Quỳnh Bảng... Sân bay Vinh, nhà ga, bến cảng tiếp tục được mở rộng. Nhờ đó vùng ven biển có hệ thống hạ tầng khá nhất trong toàn Tỉnh. Từ quốc lộ 1A đã có các tuyến đường bộ dẫn đến các bãi biển của Nghệ An. Dọc ven biển còn có tuyến đường tỉnh lộ chạy suốt từ Quỳnh Lưu vào đến Nghi Lộc và nối với tuyến đường Nam Cấm - Cửa Lò.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch đã có tốc độ phát triển nhanh. Lực lượng lao động trong các đơn vị kinh doanh du lịch vùng ven biển trong những năm qua không ngừng được tăng lên cả về chất lượng và số lượng. Số lao động được đào tạo mới và đào tạo lại ngày càng tăng.
Công tác tuyên truyền quảng bá của Du lịch Nghệ An nói chung, du lịch biển nói riêng đã được tổ chức triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, chất lượng được đổi mới và bước đầu có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch của địa phương, tăng thêm sự hiểu biết của nhân dân trong nước và quốc tế đối với du lịch biển Nghệ An.
Ngoài ra, kết hợp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Ngành phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, hội nghị, hội thảo với nội dung thiết thực nhằm tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch biển Nghệ An và nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch biển.
Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc sống còn của du lịch nên từ nhiều năm nay Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ môi trường: thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh môi trường trên các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và dọc bãi biển.
Đặc biệt, từ năm 2006, UBND TX. Cửa Lò đưa ra chương trình "Năm không" gồm: không nâng ép giá; không đeo bám, chèo kéo khách; không tẩm quất và bán hàng rong; không làm tổn hại đến cảnh quan, môi trường; không làm mất an ninh, trật tự. Mô hình này đang được nhân rộng trong toàn vùng ven biển. Nhờ đó, ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch được nâng cao.
Hàng năm ngành Du lịch Nghệ An phối hợp với các Ban, Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành nhiều đợt kiểm tra về tình hình trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch biển như: bãi tắm Cửa Lò, bãi tắm Quỳnh Phương - Quỳnh Bảng... góp phần đưa trật tự văn minh du lịch đi vào nề nếp hơn, từng bước hạn chế tệ nạn ăn xin, đeo bám, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
NHỮNG HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh về cơ sở vật chất và lượng khách du lịch đến các bãi biển Nghệ An ngày càng tăng nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh, nhưng quy mô không lớn, chất lượng chưa cao. Các điều kiện xử lý môi trường chưa đúng quy trình; hệ thống nước thải sinh hoạt chưa được xây dựng hoàn chỉnh; hiện tượng xả nước thải trên bãi tắm đang diễn ra phổ biến. Nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch còn sử dụng hệ thống giếng nước khoan để phục vụ sản xuất kinh doanh mà chưa được kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây xu hướng bê tông hóa tại khu du lịch biển Nghệ An đang có xu hướng gia tăng nên diện tích khuôn viên cây xanh, thảm thực vật đang bị thu hẹp dần.
Nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của CBCNV trong Ngành vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập. Do mang tính thời vụ lớn nên các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TX. Cửa Lò, đặc biệt là các hộ kinh doanh du lịch nhỏ lẻ vẫn còn sử dụng nhiều lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ khách du lịch trong thời điểm mùa du lịch biển.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN NGHỆ AN
Một là, đa dang hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó ưu tiên các loại hình du lịch đã có như: du lịch tắm biển nghỉ dưỡng. Đây là hình thức du lịch quan trọng nhất ở hầu hết các điểm du lịch biển Nghệ An.
Đồng thời mở rộng và đầu tư các loại hình du lịch hỗ trợ khác như: Du lịch thương mại, công vụ và hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch tham quan các làng nghề thủ công truyền thống, du lịch thể thao…
Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù như: du lịch chữa bệnh, du lịch tàu biển, du lịch lặn biển...
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước để quảng bá các sản phẩm du lịch.
Ba là, tăng cường đẩy mạnh công tác đầu tư về hạ tầng du lịch, hệ thống điện, hệ thống cấp nước và thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc…Đẩy nhanh công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, nhất là các dự án đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch biển tại các bãi biển Cửa Lò, bãi Lữ - Mũi Rồng Nghi Thiết, Diễn Thành, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng...
Bốn là, tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại trình độ quản lý và chuyên môn cho đội ngữ cán bộ quản lý du lịch. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ du lịch, vệ sinh môi trường du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường và phong cách phục vụ cho cộng đồng dân cư nơi có các điểm du lịch phát triển.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và bảo vệ môi trường du lịch. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý các quy hoạch phát triển du lịch biển đã được phê duyệt; thực hiện chính sách giao quyền quản lý và khai thác tài nguyên cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ và kinh doanh theo pháp luật nhà nước. Có chính sách hỗ trợ người dân và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Ths. Trần Đình Hà