
Màn biểu diễn khai mạc đã khuấy động tinh thần của đông đảo khán giả trước giờ chiếu
Phát biểu khai mạc buổi chiếu phim, Tổng Giám đốc Hãng phim TL&KHTW Phạm Thị Tuyết cho biết: Hơn 60 năm qua, cùng với sự trưởng thành của Hãng phim TL&KHTW, những người làm phim tài liệu không bao giờ đứng bên ngoài những vấn đề của đất nước, của dân tộc. Các bộ phim luôn đồng hành cùng cuộc sống và đề cập đến những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống. Riêng về chủ quyền biển đảo, Hãng đã thực hiện nhiều bộ phim, ghi chép lại một cách chân thực hiện thực đã xảy ra.
5 bộ phim với những nội dung phong phú đầy cảm xúc đã nói lên cảnh đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam; ca ngợi sự hy sinh của người lính biển ngày đêm giữ đảo, giữ biển cho quê hương đất nước; đặc biệt là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cổ vũ, động viên tinh thần để người dân Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nội dung của những bộ phim không chỉ là sự sẻ chia về lương tri, lý trí, tình cảm đối với vấn đề trên biển Đông, đó còn là sự khẳng định của những người làm phim tài liệu với chủ quyền và độc lập tự do của dân tộc.
Đạt Huy chương Vàng Liên hoan phim Mátxcơva 1967, bộ phim “Đầu sóng ngọn gió” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh nói về cuộc sống chài lưới và chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ đã ngày đêm đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đảo, giữ sinh hoạt bình thường. Trong khi đó, bộ phim “Trường Sa tháng 4 năm 1988” của đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích mô tả chân thực, xúc động về cuộc sống của những người lính Trường Sa. Đó là những chiến sĩ trên tàu HQ505, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo của mình.
Bộ phim “Đảo Lý Sơn” (đạo diễn Công Thành Đức, sản xuất năm 2009) nói về hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Nam Trung Bộ, với những người dân nơi đây giàu tình cảm, chất phác, bám biển xây dựng quê hương. Đây cũng là nơi xuất quân của thủy quân các triều đại phong kiến Việt Nam ra quân đảo Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Hai bộ phim sản xuất gần đây của đạo diễn Đào Thanh Tùng là “Andre Menras - Một người Việt” (năm 2011) kể câu chuyện về ông Andre Menras, một người Pháp có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, cũng là nhân chứng lịch sử trong nhiều giai đoạn cách mạng Việt Nam. Bộ phim “Biển của người Việt” (năm 2012) thông qua những bằng chứng, căn cứ lịch sử, các văn bản của nước ngoài, các tấm bản đồ... và đời sống văn hóa tinh thần của các ngư dân ven biển miền Trung để chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua.
Chia sẻ sau buổi chiếu phim, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận định: mỗi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có cách thể hiện khác nhau, đều góp sức về mặt tinh thần rất quan trọng trong việc củng cố niềm tin và tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. 5 bộ phim tài liệu hướng về biển đảo được chiếu hôm nay là những tư liệu quan trọng và ý nghĩa, nên được chiếu rộng rãi hơn tới công chúng. Đồng thời, Thứ trưởng mong rằng ngành Điện ảnh đặc biệt là điện ảnh thời sự tài liệu tiếp tục phát huy những thước phim có ý nghĩa hướng về biển đảo, bởi thời sự tài liệu mới ghi lại được những khoảnh khắc quý giá không thể lặp lại, lưu giữ những bằng chứng lịch sử không thể thay thế.
Ngày phim tài liệu hướng về biển đảo Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu phim tài liệu mọi lứa tuổi trong và ngoài nước.
Dưới đây là một số hình ảnh trích từ các bộ phim được trình chiếu:

Cảnh trong phim “Đầu sóng ngọn gió”

Cảnh trong phim “Đảo Lý Sơn”

Cảnh trong phim “Andre Menras - Một người Việt”
Hạ Tinh