Theo nhận định của Cục Kiểm ngư, phương thức các tàu Trung Quốc không thay đổi, nhưng mỗi tốp tăng về số lượng và huy động các tàu lớn hơn để ngăn chặn, vây ép, hú còi, đâm va quyết liệt khi tàu Việt Nam di chuyển vào khu vực giàn khoan thực hiện tuyên truyền. Hành động này gây ra nhiều hư hỏng đối với tàu chấp pháp Việt Nam.
Trước tình hình này, Việt Nam vẫn duy trì lực lượng và hoạt động đấu tranh với cường độ cao để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hoat động cách giàn khoan 6-10 hải lý; các tàu cá đang hoạt động trong khu vực khoảng 30-35 chiếc với khoảng cách 25-35 hải lý về phía Tây và Nam của giàn khoan.
Liên quan đến việc Việt Nam sẽ sử dụng cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền thế nào, trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Mỹ, hôm 30/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này".
*Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên hợp quốc
Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam cũng kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa”, và một lần nữa khẳng định rằng quần đảo mà Trung Quốc đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974.
Trong công hàm, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Việt Nam khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Văn kiện trên đồng thời phản đối quan điểm của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển trên.
Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã đề nghị Tổng thư ký Ban Ki-moon cho lưu hành công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Phái đoàn Việt Nam cũng ra thông cáo báo chí về vụ việc trên ngày 29/5.
*Phải bình tĩnh, không để chiến tranh
Quân đội Việt-Trung phải hết sức kiềm chế, không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát - Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên toàn thể Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 31/5.
.jpg)
|
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp Đối thoại Shangri-La 13.
Ảnh: Thanh Niên
|
|
Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ”.
Bộ trưởng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, giữ hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng.
Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới.
Quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, không xảy ra chiến tranh.
Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN. Ngày 8/6 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chuyển một thông điệp từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng, "với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển".
PV