Hơn một ngàn đại biểu là cá nhân và đại diện cho các tập thể tiêu biểu trong các phong trào thi đua, xây dựng văn hóa của Thủ đô hơn 10 năm qua đã tụ hội về đây nhằm tôn vinh văn hóa và khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa Hà Nội, văn hóa Thăng Long xứng đáng với bề dày lịch sử 1000 năm.
|
Biểu diễn nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa Thăng Long - Hà Nội |
Báo cáo 5 năm thực hiện Chương trình 08-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng – Chủ nhiệm Chương trình 08-CTr/TU nêu rõ: Việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU đã và đang dần tạo ra những tiền đề quan trọng, cần thiết cho môi trường văn hóa Thủ đô có những chuyển biến tích cực, phát triển ngày càng lành mạnh, phong phú. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mẫu hình văn hóa trên các địa bàn dân cư và trong các công sở, doanh nghiệp, trường học… đã và đang tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân dân Thủ đô phấn đấu vươn tới những chuẩn mực văn hóa đã xác định. Song song với thực hiện Chương trình 08, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (2000 - 2010) đã góp phần làm dày thêm những kết quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Không chỉ xây dựng được hàng vạn các mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa, phong trào còn tham gia thiết thực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ tang, lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng. Dù kết quả chưa thực sự như mong đợi, nhưng thành phố đã bước đầu định hình được nếp sống mới phù hợp hơn, văn minh hơn và trở thành suy nghĩ, hành động của đông đảo người Hà Nội.
Sự phát triển văn hóa của Hà Nội trong những năm qua được thể hiện sâu đậm, mạnh mẽ thông qua những kết quả của 15 năm thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", 10 năm tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa và kết quả 10 năm (2000 - 2009) xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ "Vì người nghèo". Các cuộc vận động này đã góp phần phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân, phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Truyền thống văn hiến của Thủ đô là tài sản vô cùng quý giá của Hà Nội và đất nước. Việc giữ gìn văn hiến Thăng Long vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô. Để phát huy giá trị truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng, vị trí của văn hóa để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là phát huy giá trị nét đẹp tiêu biểu của người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới. Tập trung hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở. Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhân dân, để mỗi người dân Thủ đô là chủ thể tích cực, sáng tạo trong giữ gìn văn hóa Thăng Long - Hà Nội, bằng những hành động thiết thực, cụ thể trong đời sống hàng ngày...
Tại Ngày hội văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt UBND TP. Hà Nội chính thức phát động "Hành trình 50 ngày hướng tới Đại lễ". Thành phố kêu gọi mỗi người dân Thủ đô bằng hành động cụ thể từ lời ăn tiếng nói đến sinh hoạt hàng ngày, từ nhà đến công sở, trên đường hay nơi công cộng thể hiện nét đẹp người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ