Ngày hội văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ và Lễ hội Óoc Om Bóc 2022 sẽ diễn ra đầu tháng 11
Thông tin này vừa được công bố trong họp báo do UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Sóc Trăng. Họp báo do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Tấn Hòa chủ trì.
Theo Ban Tổ chức, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”. Ngày hội và Lễ hội có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer của 12 tỉnh, thành phố gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Các hoạt động tại Ngày hội gồm trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; giới thiệu ẩm thực đường phố Sóc Trăng lần III năm 2022… Đặc biệt, hoạt động thể thao truyền thống sẽ có Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 được diễn ra từ ngày 2 - 8/11. Giải đấu có sự tham gia của 45 đội ghe ngo nam và 11 đội ghe ngo nữ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, Ngày hội là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hoạt động cũng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33–NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76–KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer Nam Bộ tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế; nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội và Lễ hội cho biết, Ngày hội và Lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo, chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại. Đặc biệt gắn các hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer Nam Bộ.
“Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng là dịp để nhân dân tỉnh Sóc Trăng giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, với nhiều hoạt động nhằm giới thiệu quảng bá và kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước” – bà Diễm nhấn mạnh.
Để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong khuôn khổ Ngày hội và Lễ hội, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, sẽ tổ chức đoàn tour famtrip khảo sát du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái tại tỉnh Sóc Trăng cho doanh nghiệp Lữ hành của 12 tỉnh, thành. Đặc biệt, dịp này Sóc Trăng cũng sẽ công bố Logo du lịch mới.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, du lịch Sóc Trăng đón và phục vụ hơn 1,8 triệu lượt khách. Đến thời điểm hiện tại, về cơ sở lưu trú, Sóc Trăng cũng đã sẵn sàng đáp ứng cho khoảng gần 400 ngàn lượt khách tham gia Ngày hội và Lễ hội Oóc Om Bok – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long 2022.
Trần Lợi