Trở lại đúng thời điểm với sản phẩm đột phá…
Để kịp thời thích nghi, nhiều nhà hát, sân khấu trên địa bàn Thủ đô bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục khó khăn, linh hoạt thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả và du khách. Đồng thời, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân, công chúng, các hoạt động của nhà hát, sân khấu như “lò xo bị nén” đã bật mạnh, bùng nổ. Cụ thể, khi được phép mở cửa, các đơn vị nghệ thuật lập tức công diễn phục vụ khán giả nhiều chương trình hấp dẫn.
Sáng đèn trở lại với tâm thế mới bằng món ăn tinh thần hấp dẫn khán giả ngày đầu năm mới, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo vở diễn, trò rối chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao với hình thức thể hiện “tân” trên nền “cổ”. Những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn đón Xuân Nhâm Dần 2022 của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt và thu hút đông đảo khán giả phải kể đến vở diễn “Câu chuyện những chiếc rìu” và hai trò rối “Lung linh khổng tước”, “Mười hai con giáp”. Thông qua những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, gần gũi, thân thiết và đầy triết lý đối với tâm thức cũng như đời sống văn hóa của người Việt, cùng với cách thể hiện sinh động, độc đáo, phù hợp và hấp dẫn của nghệ thuật múa rối, tiết mục “Mười hai con giáp” đã gợi cho khán giả - đặc biệt là các em nhỏ luôn nhớ về cội nguồn, nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng, lâu nay chương trình múa rối cho thiếu nhi thường là các trò diễn kết hợp. Tuy nhiên, qua thực tế nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của các trường học, đặc biệt từ mong muốn của các em nhỏ, Nhà hát đã bổ sung các vở diễn với thời lượng dài vừa phải, có cốt truyện và có tuyến nhân vật để khán giả theo dõi liền mạch, xuyên suốt cả chương trình. Trong khi chưa tìm được một kịch bản hay, phù hợp với sân khấu múa rối, Nhà hát đã quyết định dựng lại vở “Câu chuyện những chiếc rìu” bởi vở diễn này đáp ứng được cả yếu tố ngôn ngữ văn học cho tới ngôn ngữ nghệ thuật.
Mặc dù nhiều nghệ sĩ bị F0, nhưng trước đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam không chịu ngồi đợi mà đã cố gắng gom diễn viên của các đoàn để tham gia Nhà hát Truyền hình với chương trình mới nhất “Du Xuân cùng 5K”. Nhà hát cũng phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam khai trương lại Trung tâm biểu diễn Múa rối nước “Bông Sen”, giới thiệu chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đương đại kết hợp với múa rối nước truyền thống, mở màn cho chuỗi hoạt động thường nhật và mở cửa đón khách quốc tế.
Sân khấu Chèo cũng không kém cạnh với những bước “khởi động” mạnh mẽ trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Cụ thể, Nhà hát Chèo Việt Nam với hai chương trình trực tuyến “Chào xuân Nhâm Dần 2022” (ngày 13/2) và “Quan Âm Thị Kính” (ngày 19/2); tháng 3 này, các chiếu chèo của Nhà hát Chèo tiếp tục diễn ra tại 71 Kim Mã, Hà Nội. Cùng lúc, các nghệ sĩ cũng đang lên sàn tập vở “Cánh diều lạc gió”. Nhà hát Cải lương và Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã có 3 buổi công diễn thành công vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” vào ngày 6, 7, 8/2 tại Rạp xiếc Trung ương. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng bắt tay vào khởi công phục dựng vở Tuồng “Không còn đường nào khác”…
Sân khấu Lệ Ngọc - đơn vị sân khấu xã hội hóa cũng đã có 6 đêm diễn thành công với đông đảo khán giả tại Nhà hát lớn Hà Nội với 4 vở “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua”, “Nước mắt của mẹ”, “Vang bóng một thời” kéo dài từ ngày 21/2 đến 1/3/2022)… Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc, Chủ tịch Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ, chị rất vui vì các đêm diễn đều có đông khán giả đến xem, đó là niềm vui lớn lao của những người làm nghệ thuật. Để tri ân những tình cảm mà khán giả dành cho các nghệ sỹ, Sân khấu Lệ Ngọc luôn tìm cách để đưa những món ăn tinh thần phong phú nhất, đa dạng nhất đến với khán giả. Từ đề tài dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt như “Tấm Cám”, “Cây tre thần” cho đến những vở diễn lịch sử như “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, “Làm vua” hay những vở diễn mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại như “Nước mắt của mẹ”… Tất cả để mang đến cho khán giả những kịch mục hấp dẫn, những “bữa tiệc” văn hóa đa sắc màu và có thể “kéo” được ngày càng nhiều người đến với sân khấu và yêu sân khấu Việt…
Qua đó cho thấy, trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn, các nhà hát, các nghệ sỹ vẫn nỗ lực vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình để sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật.
… bằng sự sáng tạo, nâng tầm để hút khách
Liên quan đến việc bảo tồn văn hóa và gắn với phát triển du lịch, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý chia sẻ, “sản phẩm văn hóa cần được xác định đối tượng phục vụ rộng hơn, đó là công chúng, trong đó có khách tham quan, du lịch. Các đơn vị cần xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu, thị hiếu khách hàng, thay vì có gì dùng đó.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, dù nhiều lợi thế, vẫn chỉ nên được coi là phương tiện. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm trong lĩnh vực này để từ đó có những sản phẩm ưng ý, không chỉ giúp kích cầu du lịch, mà còn bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản”.
Lĩnh hội những hướng bảo tồn, phát triển gắn với khai thác du lịch, mới đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức khởi động dự án nhạc kịch “Sóng - Song The Musical”. Đây là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với câu chuyện dựa trên cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Điều mới mẻ và đặc biệt ấn tượng ở Sóng là âm nhạc. Điều này được thể hiện trong tất cả phần lời ca khúc của vở diễn đều sử dụng thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, kể cả những câu thoại. Những bài thơ của Xuân Quỳnh được “âm nhạc hóa” nhằm nói lên tiếng lòng của nhân vật, vừa gần gũi vừa có sự mới mẻ đối với khán giả yêu thơ Xuân Quỳnh. Những bức thư tình vượt thời đại của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được gửi gắm vào vở nhạc kịch, khiến không khí yêu đương lãng mạn, rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.
Để tạo được sức hút khán giả và để lại hiệu ứng tốt với du khách trong Sóng có lẽ là dàn nhạc semi-classic (bán cổ điển) dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Minh Đạo. Bởi, âm nhạc trong Sóng được phối theo cảm xúc khán giả, diễn viên, nhấn nghỉ, nhanh chậm... tương đối phức tạp nhưng đã tạo được sự tương tác giữa người chơi nhạc, diễn viên và khán giả…
NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Tổng đạo diễn Sóng chia sẻ, với quan điểm làm nghệ thuật, tính sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu nên dự án Sóng được sự ủng hộ cao từ ban lãnh đạo nhà hát. Dự án nhạc kịch Sóng lấy cảm hứng từ cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh, ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ ấp ủ sáng tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn “vì cộng đồng”, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời.
Được biết, Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức bắt tay xây dựng vở nhạc kịch Sóng từ năm 2021. Vở diễn là tập hợp của một ê kíp sản xuất cùng chung chí hướng với sự đồng hành tài trợ của các đơn vị yêu mến nghệ thuật như Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand), Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Minh (Bình Minh Group)… Cũng thông qua thực hiện Sóng, Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch ở Việt Nam bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn cũng như trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch hiện đại.
Bên cạnh việc đầu tư về sản phẩm, chất lượng vở diễn phục vụ du khách, cơ sở hạ tầng các nhà hát, sân khấu… cũng được quan tâm, cải tạo và làm mới. “Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư cải tạo phòng trưng bày thành một sân khấu biểu diễn múa rối mini với khoảng 100 chỗ ngồi rất xinh xắn, lịch sự. Sân khấu này được khai thác sẽ phục vụ những đoàn khách nhỏ, rất phù hợp với tình hình hiện nay”, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. Đồng thời, vị Giám đốc này cũng bày tỏ những tín hiệu vui khi khởi động lại mùa diễn mới sau một thời gian dài ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó là, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có một lực lượng nghệ sỹ trẻ triển vọng, có đủ bản lĩnh để đảm đương điều khiển các con rối có thiết kế phức tạp trong những chương trình mới lần này.
Có thể thấy, dù dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động nghệ thuật, song các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để cho ra đời nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị. Nhìn vào những dự án, những chương trình nghệ thuật đã, đang và sẽ triển khai của các đơn vị nghệ thuật có thể thấy, năm 2022, diện mạo của sân khấu Việt sẽ có nhiều đột phá, hứa hẹn cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo... Và chắc chắn những chương trình nghệ thuật tại các Nhà Hát thủ đô sẽ là một trong nhiều địa chỉ không thể bỏ qua khi khám phá Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
Anh Hoa