Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều chính sách cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành và thực hiện. Đặc biệt từ khi Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua, công tác trẻ em đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện các điều kiện đảm bảo cho trẻ em quyền vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình và đảm bảo sự tham gia của trẻ em trong gia đình.
Tuy vậy, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu. Vì vậy, việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội; trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình; sau đó phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Tại hội thảo, hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn hóa gia đình và xã hội học tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ các vấn đề như: Thực trạng xâm hại trẻ em hiện nay và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; Vai trò của gia đình, các thành viên gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em; Những kiến thức, kỹ năng mà các thành viên gia đình cần biết để phòng, chống xâm hại trẻ em; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay.
HN