Loại hình du lịch thực tế ảo trên thế giới và ở Việt Nam
Thực tế ảo (Virtual Reality - VR) bắt đầu phát triển mạnh trên thế giới từ đầu thế kỷ 21, là một trải nghiệm mô phỏng có thể giống hoặc khác hoàn toàn với thế giới thực. Trong đó, đồ họa máy tính được sử dụng để tạo ra một thế giới như thật, không tĩnh mà có thể phản ứng, thay đổi theo điều khiển của con người. Thông qua công nghệ này, con người có thể tương tác với thế giới ảo một cách chân thực nhất. Công nghệ VR đã chắp cánh để nhiều công ty du lịch nổi tiếng xây dựng những tour du lịch ảo hấp dẫn được du khách đánh giá cao như các tour trải nghiệm các địa danh: Vườn quốc gia Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc); Giant Causeway (Bắc Ireland); sông băng Perito Moreno (Argentina); Grand Canyon và Vườn quốc gia Yosemite (Mỹ); đỉnh Everest (Nepal); chiêm ngưỡng cực quang ở một số quốc gia Bắc Âu, Nga và Canada; đảo Ambrym thuộc quần đảo Vanuatu; sa mạc Namib (Namibia)…
Ở Việt Nam, chuỗi các rạp chiếu phim thực tế ảo từ 3D, 4D,… 9D, 12D đã được trang bị hệ thống máy chiếu, màn chiếu, kính 3D, âm thanh, ghế ngồi, hiệu ứng… với các thiết bị tiên tiến, hiện đại. Một số điểm du lịch đã đưa dịch vụ chiếu phim thực tế ảo phục vụ khách trải nghiệm như: Rạp chiếu phim 12D ở Royal City (Hà Nội), Phòng phim 12D Plus (Hồ Chí Minh), Rạp chiếu phim 4D Vinpearl land (Nha Trang), Rạp chiếu phim 9D – 12D tại núi Thần Tài (Đà Nẵng), Sun Worl Ha Long Complex (Hạ Long)… Tuy nhiên, các thước phim này chủ yếu có nội dung liên quan đến game, cảm giác mạnh, kinh dị…
Mới đây, lần đầu tiên tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu tại Tây Bắc đã được thực hiện, mang đến cho du khách những trải nghiệm như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng… Hay tour thực tế ảo tham quan hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đưa du khách đi xuyên qua những hang động với hình ảnh 360 độ sắc nét và hệ thống âm thanh gắn liền với các cảnh quan. Sản phẩm này đã được trang báo nổi tiếng The Guardian (Anh) đánh giá nằm trong top 10 tour thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới qua màn ảnh...
Xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo – Những điều cần quan tâm
Nội dung phim: Những giá trị cảnh quan, văn hóa… đặc sắc nhất của các điểm du lịch cần được khai thác làm nội dung chính. Chủ đề và cấp độ đa chiều của phim du lịch thực tế ảo có thể được lựa chọn theo các loại hình du lịch phù hợp như: du lịch khám phá, mạo hiểm (leo núi, dù lượn, nhảy bunggy, xe địa hình); du lịch safari (phim về thế giới động vật ở Việt Nam); du lịch sinh thái (các vùng biển có san hô, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…)
Ngoài tính chất xuyên không gian, phim du lịch thực tế ảo cần thể hiện được đặc điểm xuyên thời gian nhằm mang đến trải nghiệm tường tận, thú vị, khám phá điểm đến du lịch đa chiều và mang lại cảm nhận sâu sắc nhất cho du khách về đối tượng tham quan (ví dụ như phim ngược dòng thời gian về các triều đại phong kiến Việt Nam). Bên cạnh đó, cần có dịch vụ hướng dẫn viên ảo với ngôn ngữ đa dạng để phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Tiêu đề mỗi bộ phim cần nổi bật, nhấn vào tâm lý tò mò muốn trải nghiệm của du khách, phản ánh được nội dung và thể hiện đặc điểm độc đáo, đặc sắc, gắn liền với những địa danh và loại hình du lịch đã được lựa chọn.
Hình thức chiếu phim: Căn cứ vào từng nội dung, những giá trị khác nhau mà lựa chọn cấp độ công nghệ 3D, 4D…, hay 9D, 12D phù hợp. Để tạo cảm giác chân thật khi trải nghiệm sản phẩm du lịch thực tế ảo thì những hiệu ứng bổ trợ là không thể thiếu như gió, mùi hương, sự chuyển động, âm thanh… Sản phẩm du lịch thực tế ảo có thể tích hợp với các thiết bị thể thao phù hợp giúp khách vừa được xem phim, vừa vận động thể lực nâng cao sức khỏe.
Địa điểm trải nghiệm: Không chỉ đơn thuần là cho khách trải nghiệm thực tế ảo tại các điểm du lịch mà có thể xây dựng giống mô hình những rạp chiếu phim thu nhỏ, đặt ở các trung tâm tập trung đông người hoặc hoặc lắp đặt ngay tại nhà.
Không gian chụp hình: Check - in và chụp ảnh ở những địa điểm du lịch, những nơi có phong cảnh đẹp là trào lưu được rất nhiều người ưa chuộng hiện nay. Để thỏa mãn nhu cầu đó, một phần quan trọng của sản phẩm này là không gian chụp hình khi du khách trải nghiệm tại những nơi chiếu phim du lịch thực tế ảo. Những tiểu cảnh chụp hình là những hình ảnh với phong cảnh đẹp, độc đáo, đặc sắc, ấn tượng được dàn dựng mô phỏng theo không gian thực tế tại các điểm du lịch. Các tiểu cảnh cần đa dạng, phong phú cho khách lựa chọn, đạt yêu cầu độ sắc nét, chất lượng cao. Có thể tạo hiệu ứng chuyển động cho tiểu cảnh nhằm tạo cảm giác như thật khi lên hình.
Ngoài vai trò là một sản phẩm du lịch hiện đại, du lịch thực tế ảo còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến, giúp các doanh nghiệp có thể “phá băng” trong đại dịch và là lối thoát để du lịch nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Vân Hạnh (2016). Du lịch ảo – mô hình du lịch của thời đại công nghệ. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế: Các loại hình du lịch hiện đại, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, NXB ĐHQG-HCM, ISBN: 978-604-73-4645-5. Trang 597-601
2. Lê Tú (2021). VNPT nỗ lực lan tỏa hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần phát triển ngành du lịch không khói. Tạp chí Du lịch số 1-2/2021, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trang 146
3. Việt Anh (03/03/2021). Cơ hội phát triển du lịch ảo. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/co-hoi-phat-trien-du-lich-ao
4. Jinee (12/08/2020). Công nghệ thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality) và thực tế ảo (VR - Virtual Reality) - Ngọn lửa nhỏ “sưởi” Du lịch đỡ “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/33666
ThS. Lương Thị Hát
ThS. Trịnh Thị Tuyết
ThS. Trần Thị Thu Hảo
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)