Báo cáo đề đẫn tại hội thảo, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Ngô Hải Dương cho biết được sự ủng hộ, quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã kiến nghị đúng, trúng, kịp thời; tham mưu, phối hợp tham mưu ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch, tiêu biểu.
Trong đó công tác quản lý nhà nước về du lịch giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 đã có nhiều kết quả nổi bật. Tổng số khách quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023, đây là con số ấn tượng với ngành du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19.
Cùng với lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ, hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4. Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn tồn tại một số hạn chế về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngành. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra còn xuất hiện hiện tượng người nước ngoài núp bóng Việt Nam hành nghề hướng dẫn, hiện tượng một số doanh nghiệp Việt Nam vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch; Chưa tổ chức được các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia; Liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, giữa các khối cơ quan quản lý nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp, giữa các thành phần cấu thành dịch vụ trong ngành lữ hành - cơ sở lưu trú - khu, điểm du lịch - dịch vụ bổ trợ vẫn chưa thực chất, hiệu quả…
Nguyên nhân của những tồn tại trên được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần. Một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao.
Công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới; các cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương vẫn dừng ở mức “ưu tiên”, chưa thực sự tạo “động lực”, “cú hích” cho du lịch phát triển nhanh và mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Đề cập những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh mới, Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh đến 5 yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh, đó là: hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và định hướng về thị trường du lịch; phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý về du lịch; quản lý phát triển du lịch theo hướng bền vững; đổi mới phương thức quản lý nhà nước về du lịch thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Về quản lý nhà nước du lịch ở địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế, chính sách về hỗ tr�� từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước; tổ chức điều tra tổng thể tài nguyên du lịch, phân loại tài nguyên du lịch trên phạm vi cả nước làm căn cứ cho các địa phương thực hiện công tác quản lý, phát huy giá trị tài nguyên du lịch…
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; có định hướng xây dựng những gói sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu thị trường và khách du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng miền…
Thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch; đẩy mạnh quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh...
PV