Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, những năm vừa qua UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, phát triển năng lượng tái tạo, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả làm căn cứ để các cấp các ngành triển khai sâu rộng đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Thành phố, qua đó góp phần, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tổ chức thành công các sự kiện chính trị - ngoại giao, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho Thủ đô. Theo bà Lan, việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó đặc biệt, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai qua mỗi năm đã góp phần hình thành ý thức và thói quen trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội. “Nhiều giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh, trụ sở làm việc, công sở, chiếu sáng công cộng, hộ gia đình; các hoạt động thúc đẩy mở rộng các đối tượng khách hàng tham gia về quản lý nhu cầu, sử dụng điện thông minh; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường”, bà Lan chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, mô hình sử dụng năng lượng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, chương trình đã thu hút trên 100 đơn vị tham gia nộp hồ sơ đánh giá. Các đơn vị tham gia Chương trình được hỗ trợ: đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá mức độ ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0. Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố đã công nhận 66 cơ sở đạt danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng Năng lượng xanh năm 2023. Các doanh nghiệp, cơ sở đạt danh hiệu Năng lượng xanhđã triển khai thực hiện các giải pháp có tính điển hình, mang lại hiệu quả cao, có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, giúp cho các doanh nghiệp cơ sở chủ động trong quá trình đổi mới trang thiết bị, quản lý vận hành, thiết kế và khai thác dự án.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao danh hiệu Năng lượng xanh 5 sao cho 16 đơn vị; Năng lượng xanh 4 sao cho 32 đơn vị; Năng lượng xanh 3 sao cho 18 đơn vị. Trong số các doanh nghiệp, cơ sở được vinh danh đạt danh hiệu Năng lượng xanh năm 2023 có nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực du lịch và văn hóa, tiêu biểu như: Tòa nhà HCO (Khách sạn Melia); Khách sạn Metropole Hà Nội; Công ty TNHH Khách sạn SILK PATH; Khách sạn Mercure Hanoi Lagare; Khách sạn Novotel Suites Hà Nội; Trung tâm Tinh hoa nghề Việt; Bảo tàng Hà Nội.
PV