Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức...
Từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP. Hồ Chí Minh và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã trở thành điểm sáng, luôn được đánh giá cao, đã góp phần lớn truyền cảm hứng trong phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Kế thừa, phát huy kết quả đạt được của Diễn đàn lần thứ nhất năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL lần thứ 2 năm 2022 tập trung khai thác thế mạnh du lịch gắn với nông nghiệp (DLNN) của từng địa phương, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, mở rộng không gian, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng; hoàn thiện các chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL.
Có thể nói, DLNN là mô hình được nhiều nước trên thế giới thực hiện, giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Thời gian gần đây, DLNN ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động; DLNN thúc đẩy hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thực trạng khai thác chuỗi giá trị DLNN ở ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng, chưa tạo sức bật được cho DLNN vùng; các hoạt động trực tiếp khai thác và cung cấp dịch vụ, sản phẩm DLNN còn khá ít, tương đối trùng lặp, chưa thực sự thu hút. Các doanh nghiệp khai thác đã manh nha có những ý tưởng và hoạt động độc đáo, hấp dẫn, đáng chú ý, đã có sự chủ động, sáng tạo trong triển khai các hoạt động DLNN, tuy nhiên chưa thật sự quyết liệt và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các chủ thể vẫn còn mang tính cơ học, chưa liên tục và chặt chẽ, chưa đảm bảo phân phối hài hòa và gia tăng được lợi ích cho các bên liên quan. Mặt khác, trong các hoạt động liên kết, vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt, lỏng lẻo, đôi khi rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, khiến các mắt xích trong chuỗi không phát huy được tối đa vai trò, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho toàn chuỗi.
Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm DLNN khu vực ĐBSCL, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng cường hợp tác khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh tạo ra các chương trình tour du lịch giới thiệu chuỗi giá trị DLNN; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, phát triển các sản phẩm tour tuyến liên vùng; tiếp thị hình ảnh địa phương với bên ngoài, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối với thị trường nguồn khách, tiếp nhận tư vấn cải tiến xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Nâng cao nhận thức về hiệu quả của phát triển DLNN và việc liên kết chuỗi giá trị DLNN đối với tất cả các bên liên quan, tại ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích liên kết phát triển DLNN, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch tại ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, việc liên kết phải hướng đến phát triển bền vững, phân rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như người dân.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến, tham luận đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Các ý kiến đề xuất khảo sát, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng. Tăng cường liên kết hợp tác, phối hợp, xây dựng các tour, tuyến du lịch nội vùng, liên địa phương, liên vùng hấp dẫn trên cơ sở khai thác đặc thù của từng địa phương, từng khu vực. Nhiều ý kiến tham luận khác gửi đến Diễn đàn, đề xuất vấn đề liên kết từ những lợi thế để kéo dài thời gian tham quan DLNN trong vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL; phát triển sản phẩm du lịch nông lâm nghiệp vùng U Minh Hạ Cà Mau trong mối liên kết với du lịch vùng ĐBSCL; vai trò của liên kết trong phát triển sản phẩm và xây dựng thị trường khách cho DLNN Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL; phát triển DLNN nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương...
Giám đốc Khu Du lịch Gò Tháp Trần Chí Cường nhận định, ở Việt Nam hiện nay, DLNN đã và đang dần trở thành một xu hướng mới, một loại hình trải nghiệm mới lạ. Hoạt động DLNN sẽ gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường; trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp ở những địa bàn nông thôn thuần túy, tìm hiểu bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn, lan toả thông điệp về nguồn tới giới trẻ hiện nay. “Đây cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tác động của quá trình toàn cầu hóa, cũng như những tác động về văn hóa truyền thống dân tộc… Do vậy, du lịch nông nghiệp cần được tập trung “hợp tác và hành động” nhằm lan tỏa mạnh mẽ và có thêm nhiều động lực phát triển trong thời gian tới tại TP. Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh ĐBSCL” - ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê cho rằng, xu hướng du lịch hậu COVID-19 là khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho DLNN ĐBSCL. Việc phát triển DLNN cũng sẽ tạo ra sản phẩm mới có tính sáng tạo cho các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh. Do đó, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư; quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đón khách du lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhận định, các ý kiến tham luận đã nêu bật lên tầm quan trọng của việc phát triển DLNN tại các tỉnh, thành tham gia. DLNN sẽ giúp người nông dân đồng thời mang lại nguồn lợi về kinh tế song song với việc sản xuất nông nghiệp cơ bản.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu khẳng định, DLNN trên thế giới thật sự đã có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế, DLNN còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia ra thế giới, qua đó xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cao nhận biết về hình ảnh, vị thế cho quốc gia, dân tộc.
Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả”.
Thanh Minh