Na Rì là huyện vùng núi cao thuộc phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn, với diện tích tự nhiên hơn 85.000ha. Na Rì được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, còn vẹn nguyên sự hoang sơ huyền bí, với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc hấp dẫn du khách.
Đến động Nàng Tiên chiêm ngưỡng những cột nhũ đá
Giới trẻ truyền tai nhau ở Na Rì có “Nhà hát Lớn trong lòng núi đá”, nên một lần ghé thăm khi đến nơi đây. “Nhà hát Lớn trong lòng núi đá” này nằm phía trong Động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ, huyện Na Rì, là một hang đá tự nhiên có từ lâu đời và có trong sự tích của người dân bao đời nay.
Khi tới thăm động Nàng Tiên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cột nhũ đá cao, vòm động rộng mênh mông như một nhà hát lớn. Những cột nhũ đá cao chảy xuống, dưới ánh đèn trở nên lung linh huyền ảo như mái tóc của nàng Tiên. Đặc biệt, hang động Nàng Tiên có những ngách nhỏ mà người lớn phải cúi đầu, thích hợp với những du khách thích trải nghiệm khám phá.
Thỏa sức chill chill ở phố cổ Yến Lạc
Sau khi chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên núi rừng, du khách có thể dừng chân tại khu nhà cổ nằm ngay thị trấn Yến Lạc. Nằm giữa khu phố vẫn còn những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà với kiến trúc cổ xưa độc đáo là nét đẹp văn hóa đặc trưng của Na Rì. Tại đây, du khách trẻ sẽ được thỏa sức sáng tạo những tác phẩm ảnh nghệ thuật với khung hình, bối cảnh như phim cổ trang. Chính tại khu phố cổ này, vào dịp tổ chức chợ đêm, du khách còn có thể trải nghiệm những món ăn truyền thống độc đáo của địa phương như bánh ngô, bánh khảo, bánh quẩy... cùng với các gian hàng sản phẩm OCOP của địa phương.
Ngoài ra, tại Na Rì, du khách có thể ghé thăm nhiều di tích lịch sử quan trọng như di tích lịch sử Pò Kép, xã Văn Vũ; Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương; Đồn Tây tại phố cổ thị trấn Yến Lạc; Nhà văn hóa truyền thống huyện Na Rì… Trải nghiệm các di sản văn hóa phi vật thể như hát then, hát Páo dung, các nghi lễ cấp sắc,...
Tại Na Rì, người dân tộc thiểu số chiếm tới 90% gồm 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Bởi vậy, Na Rì có kho tàng văn hóa các dân tộc phong phú, thể hiện những đặc trưng riêng của địa phương. Du khách có thể tới thăm Na Rì để trải nghiệm chợ tình Xuân Dương, trải nghiệm Hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng, hội Xuân của người Mông…
Ghi lại khoảnh khắc ấn tượng với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích hệ sinh thái thực vật. Toàn khu có diện tích hơn 14.000ha, ở đây có loài voọc má trắng, những giống sóc, khỉ có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, ở đây còn một số nguồn gen quý cả các loại thực vật đặc hữu như cây thiết sam giả (còn được gọi là du sam đá vôi hay thông đá) hiện còn xuất hiện rất ít trên thế giới. Các loài dơi hiện đang sinh sống ở đây cũng rất đa dạng, nhiều chủng loại.
Tại đây, bên cạnh việc tìm hiểu về thế giới thiên nhiên, du khách còn có thể ghi lại những thước phim với những góc cảnh đặc biệt. Lạc bước giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp khiến tâm hồn du khách trở nên lãng đãng hơn, những thước phim hay pic ảnh sẽ ghi lại trọn vẹn cảm xúc đặc biệt này.
Sức hút từ ẩm thực vùng cao
Ẩm thực của Na Rì cũng là một trong những điếm nhấn thu hút du khách bởi hương vị riêng có. Những gia vị của núi rừng làm cho món ăn nơi đây trở nên đặc biệt hơn. Các món ăn có thể kể đến như thịt trâu gác bếp được chế biến với gia vị đặc biệt khiến cho món ăn trở nên khác biệt. Miến rong thái tay cũng là một trong những đặc sản chỉ vùng núi Thác Giềng của Na Rì mới có. Chất đất, khí hậu nơi đây đã giúp cho sản phẩm này có hương vị tạo sức sống “mãnh liệt” trong lòng thực khách. Dù mùa đông giá lạnh hay mùa hè nóng nực, được thưởng thức một bát miến rong thái tay của xứ sở núi rừng này cũng khiến cho tâm hồn thực khách thêm sao xuyến khó diễn tả thành lời.
Không chỉ có vậy, nếu tới Na Rì, du khách cũng nên thử bánh ngải – món bánh truyền thống nổi tiếng của địa phương này. Vị thơm của lá ngải quện với độ dẻo của nếp nương là điều khiến du khách thập phương ấn tượng khi thử món bánh này. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống khác như lạp xưởng hun khói, cá sông nướng, gà rừng, trám đen… và không thể thiếu được món canh gà nấu gừng. Đây là món ăn rất được người dân tộc vùng núi coi trọng và là món ăn phổ biến của họ trong những ngày đông giá. Bởi vì về mặt y học món canh gà gừng rất có tác dụng đối với mọi người, từ người già, người trẻ, người khoẻ và người ốm… đều có thể ăn được món ăn này. Gừng có tính vị cay, tính ấn, chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, nghẹt mũi, ho đờm, kích thích tiêu hoá, giải độc… chính vì thế các món ăn chế biến với gừng thường xuyên góp mặt trong các bữa ăn của các gia đình người dân vùng núi nơi đây và cũng là một món ăn du khách rất thích khi đến vùng đất này.
Đoàn Hoa