Từ tháng 8/2019, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh chính thức thay thế và loại bỏ các vật dụng làm từ chất liệu nhựa/nilon sang chất liệu thân thiện với môi trường và sức khỏe như vải, giấy tự hủy. Hệ thống gần 60 khách sạn sẽ thay thế 13 vật dụng phổ biến nhất đang sử dụng, đặc biệt là đồ amenities: Ống hút, hộp đựng đồ take away, cốc nhựa, túi đựng đồ take away, túi đựng dao cạo, túi đựng tăm bông, túi đựng xà bông, vỏ đựng túi vệ sinh, túi đựng bàn chải, túi đựng kim chỉ, túi đựng lược, túi đựng chụp tóc, túi giặt là. Đây là những đồ vật nhỏ nhưng lại chiếm số lượng tiêu thụ rất lớn trong ngành dịch vụ lưu trú nói chung và các khách sạn nói riêng.
Nhằm nâng cao tuyên truyền ý thức cho cán bộ công nhân viên, các khách sạn Mường Thanh sẽ tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại các bãi biển, các điểm tham quan, khu vực gần khách sạn theo phong cách của trào lưu Before – After. Trên thế giới, trào lưu ghi lại sự thay đổi của một địa điểm ngổn ngang rác thải được dọn dẹp sạch sẽ được lan truyền rất mạnh mẽ. Trào lưu này gửi tới thông điệp có tác động sâu sắc tới sự thay đổi về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. Hoạt động này sẽ có sự tham gia của gần 12.000 nhân viên của các khách sạn Mường Thanh.
Bên cạnh đó, để lan tỏa và khuyến khích du khách và cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, Mường Thanh tạo ra sân chơi Plastic Transformer Challenge: Tham gia quay video thử thách tái chế rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilong, cốc nhựa, hộp nhựa…) thành những đồ có ích và đăng tải lên facebook cá nhân, kèm hashtag: #Transformer, #NoPlasticChallenge. Với mỗi video cộng đồng mạng chia sẻ, Mường Thanh sẽ đóng góp 40.000 VNĐ vào quỹ của Tập đoàn dành riêng cho việc xây dựng sân chơi cho trẻ em ở các địa phương từ đồ tái chế.
Theo thông tin từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ở Việt Nam mỗi năm thải ra môi trường khoảng 25 triệu tấn rác sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa xấp xỉ 2 triệu tấn. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa lại rất thấp, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường đạt mức báo động. Rác thải nhựa thải ra môi trường trôi nổi, đổ ra biển và đại dương, phá hủy cảnh quan thiên nhiên, khiến những loài động vật biển chết dần và gián tiếp xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam kêu gọi mọi người đồng loạt hành động để giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch cần chung tay bảo vệ động vật biển và môi trường biển Việt, tuyên truyền và nâng cao ý thức du khách.
Với mong muốn góp phần vào bảo vệ môi trường cùng với các hoạt động của ngành và xã hội, Các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng và bảo vệ môi trường luôn được Tập đoàn Mường Thanh tổ chức thường niên. Năm 2017, Tập đoàn Mường Thanh tổ chức chiến dịch "Do Green - Hành trình xanh" giúp trồng hàng nghìn cây xanh tại tất cả các đơn vị thuộc hệ thống khách sạn Mường Thanh. Năm 2018, Tập đoàn Mường Thanh phát động phong trào "Keep me Clean - Keep me Save" với chủ đề bảo vệ môi trường nước tiếp tục triển khai, kết quả hơn 11.5000 người làm việc tại Mường Thanh cùng hành khách tham gia dọn sạch bãi biển, ao, hồ, giữ gìn, bảo vệ môi trường biển.
Với khẩu hiệu “Chúng tôi không hứa, chúng tôi làm”, chiến dịch “Nói không với đồ nhựa – No Plastic For Green Life” của Tập đoàn Mường Thanh mang tính thiết thực và nâng cao nhận thức qua các hàng loạt các hoạt động. Vừa qua, Mường Thanh lần thứ 2 liên tiếp được đề cử giải thưởng “Thương hiệu khách sạn hàng đầu châu Á” của WTA. Ngày 17/7, tại Lễ trao giải "Best Hotels and Resorts Awards", Tập đoàn Mường Thanh được vinh danh là một trong những “Chuỗi khách sạn tư nhân hàng đầu Đông Nam Á”. Qua các hoạt động này, Tập đoàn Mường Thanh mong muốn sẽ góp một phần nhỏ trong việc cải thiện môi trường sống cho cộng đồng nói chung và môi trường lưu trú cũng như du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
HT