Tham dự phiên họp có Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc TCDL.
Trong hai năm gần đây, tình trạng ô nhiễm tại các điểm du lịch ngày càng nặng nề; các điểm du lịch mới được đưa vào khai thác du lịch đã nhanh chóng xuống cấp và ảnh hưởng bởi rác thải. Việt Nam xếp 17/109 quốc gia ô nhiễm về rác thải nhựa, xếp hạng 4 các quốc gia thải rác ra môi trường biển nhiều nhất. Tính riêng trung bình một công ty du lịch thải ra 47.000 túi/năm, 90.000 ly nhựa dùng 1 lần/năm, 2,5 triệu chai nước suối cho khách đi tour, 2,9 triệu vật dụng nhựa/plastic khác trong quá trình đi tour của khách du lịch cũng như hoạt động du lịch.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào ngày 4/7/2019 có ghi nhận, tình trạng giao thông không an toàn và thói quen xả rác của người dân là hai chuyện để lại ấn tượng xấu nhất đối với du khách nước ngoài trong các chuyến du lịch tại Việt Nam, và nếu không xử lý các vấn đề này cùng với tình trạng quá tải ở các điểm du lịch sẽ khiến khách du lịch không muốn quay lại, châm ngòi cho những lời giới thiệu và bình luận tiêu cực.
Đề án “Go Green - Du lịch xanh” đưa ra cảnh báo tình trạng nguy cấp ô nhiễm rác thải ở nhiều địa danh du lịch của Việt Nam hiện nay như: các bãi biển ở Bình Thuận, bãi biển Thuận An, Hòn Sơn, Hòn Móng Tay, quần đảo Nam Du (Kiên Giang), Côn Đảo… đang mang lại tác động tiêu cực làm giảm đi sức thu hút khách của Du lịch Việt Nam.
|
Đại diện cho bên đề xuất Đề án, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: Sau phiên họp đầu tiên với TCDL vào đầu tháng 7/2019, Vietravel đã ghi nhận các ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh sửa Đề án “Go Green - Du lịch xanh”. Theo đó, Đề án sẽ được thực hiện trong 5 năm bao gồm 3 giai đoạn: Chống rác thải gây ô nhiễm “Du lịch - Không rác thải” (2 năm); Bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường du lịch (2 năm); Du lịch xanh - Cuộc sống xanh - Việt Nam xanh (1 năm). Trong đó, bước đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường trước hết là điểm du lịch không có rác thải, từ đó tiến đến các hoạt động quản lý rác thải (dọn rác, phân loại rác, tập kết rác, xử lý rác sau tập kết).
Đối tượng của Đề án gồm 3 nhóm: nhóm đối tượng quản lý nhà nước (các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các Sở ban ngành địa phương); nhóm đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch (các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch - vận chuyển - cơ sở lưu trú; các điểm phục vụ du lịch); nhóm đối tượng cộng đồng - xã hội (người dân địa phương được thụ hưởng lợi ích từ du lịch mang đến; người dân khi đi du lịch). Bên cạnh đó, Đề án cũng nêu rõ các tiêu chí đánh giá, cơ chế thi đua khen thưởng, cũng như việc cam kết của các ban ngành địa phương, Ban quản lý điểm du lịch và các doanh nghiệp trong việc thực hiện và đồng hành cùng “Go Green - Du lịch xanh”.
Theo Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, “Go Green - Du lịch xanh” đã được đăng ký bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo và slogan. Bên cạnh đó, Vietravel sẽ thực hiện TVC “Du lịch xanh” với tiêu chí ngắn gọn, súc tích, chuyển tải được thông điệp và gây ấn tượng với người dân và du khách; cũng như xây dựng và phát hành “Cẩm nang Du lịch xanh” hướng dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp du lịch và khách du lịch… Theo Đề án, 8 địa phương thí điểm phát động thực hiện chiến dịch bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc, Lý Sơn...
Tại phiên họp, đại diện các đơn vị chức năng của TCDL đều nhất trí đánh giá cao sáng kiến “Go Green - Du lịch xanh” của Vietravel bởi giá trị thực tiễn đóng góp thiết thực bảo vệ môi trường du lịch bền vững. Song song với đó, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm tiếp tục bổ sung hoàn thiện Đề án, trong đó nhấn mạnh nút thắt về kinh phí, lộ trình hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phê duyệt Đề án nhằm triển khai trong toàn ngành, bên cạnh các hành động triển khai cụ thể ngay trong 6 tháng cuối năm 2019.
Đại diện cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng đánh giá cao Đề án; đồng thời cho rằng cần làm sao để thực hiện được đơn giản nhất, xác định hành động cần làm ngay và hành động dài hạn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng TCDL và Vietravel triển khai Đề án này.
Thống nhất với những ý kiến đề xuất góp ý tại phiên họp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh ngành Du lịch cần phải có hành động ngay, bên cạnh xác định nhiệm vụ hoàn thiện Đề án triển khai dài hạn. Đề án sẽ thể hiện rõ vai trò của TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Công ty Vietravel. Theo đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh giao Tạp chí Du lịch làm đầu mối phối hợp với Vietravel, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Đề án trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt để trở thành chương trình hành động toàn ngành triển khai khắp cả nước. Dự kiến, tháng 8/2019 sẽ có chương trình phát động chiến dịch “Go Green - Du lịch xanh” trong toàn Ngành.
LT