Không “lất phất” như mưa phùn Hà Nội, cũng chẳng giống cơn mưa rào “chợt đến, chợt đi” của Sài Gòn nắng cháy, mưa Huế mang trong mình vẻ đẹp rất riêng “chẳng nơi nào có được”. Mưa như những suy nghĩ ưu tư, nỗi niềm chất chứa để rồi tuôn trào, trải lòng ra cùng trời đất.
Dãy Trường Sơn hùng vĩ hướng vòng ra biển đã tạo nên một bức màn chắn ngang cho Huế kéo dài từ A Lưới Nam Đông – Bạch Mã – sang mạch nguồn Hải Vân khiến cho những cơn gió mùa Đông Bắc thổi từ phía Trung Quốc phải dừng chân đứng lại tại nơi đây để làm nên những cơn mưa cho Huế.
Kéo dài suốt từ tháng chín âm lịch cho đến Tết Nguyên đán, mưa Huế dai dẳng trùm lên cả mùa thu và mùa đông xứ sở này. Tiếng sậm sịch của biển dông gió gọi, tiếng mưa rơi nặng hạt của miền biên tái, huyễn hoặc , xa xôi:
“Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài bến tắc
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên
Muốn làm ngơ đi, mà ngủ cho yên
Sợ mưa già nước ngập, con thuyền tựa nơi mô”
(Dân ca Bình Trị Thiên)
Mưa dầm dề, dai dẳng, lê thê, mưa thối đất, thối cát… Đó là những cảm nhận rất chung về mưa Huế. Mưa ở đây không tính bằng ngày, bằng buổi mà tính bằng tuần, bằng tháng. Đến Huế muốn đi chơi thì cứ thế mặc áo mưa xông ra ngoài mà đi, chứ cứ đợi thì chẳng biết khi mô trời mới tạnh. Chính vì thế, đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy khách ta, khách Tây “sùm sụp” áo mưa mà đi thưởng ngoạn.
Có phải trời mưa tạo nên nét trầm buồn, dịu dàng “cố hữu” trong tính cách con người Huế? Thiếu nữ Huế e lệ, dịu dàng hơn cùng với tiếng “dạ, thưa” ngọt lịm xao xuyến lòng ai? Nhớ buổi tan trường, trời đổ mưa, không hối hả tấp vào những mái hiên ven đường, thiếu nữ Huế vẫn tha thướt, duyên dáng trong tà áo dài bên chiếc nón chao nghiêng. Cảnh tượng ấy không phải ở đâu cũng có thế bắt gặp.
Ai bảo tạo hóa đem đến cho Huế miên man những mùa mưa để rồi “Trận mưa nào cũng đọng giọt tương tư” (Hải Bằng). Và rồi nhà thơ Nguyễn Bính phải thốt lên: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày…”. Mỗi mùa mưa, Huế khoác lên mình tấm áo màu bạc trắng xóa. Mùa mưa, cũng là lúc thành quách bám lên màu rêu phong cổ kính, khẳng định sự trường tồn theo năm tháng. Dòng Hương trở nên thơ mộng, hiền hòa, ôm trọn Huế vào lòng. Thuyền ai đậu bến sông, thi thoảng lại vẳng lên khúc “Nam ai, Nam bình”, Mưa Huế mang đến những “giọt buồn, giọt thương, giọt sầu, giọt nhớ”. Thú nhất là những đêm ngồi lắng mưa. Mưa đến cuốn đi những bụi bặm của cuộc sống, gột sạch những ưu tư, muộn phiền. Bỗng thấy lòng trẻ lại, giọng hát trở nên ấm áp vô thường! Bất giác đưa tay hứng lấy giọt mưa. Tiếng mưa như hồn Huế ngàn xưa vọng lại, tiếng “ thở” khe khẽ của Huế nay đang thao thức chuyển mình. Thấy thêm yêu màu xanh Vĩ Dạ, thêm yêu màu nâu trầm của núi Ngự, thảng nghe tiếng chuông chùa trên bến Vân Lâu và yêu cả sắc tím mộng mơ tà áo dài tha thướt.
Mưa! Huế trầm mặc và yên bình quá! Còn gì hạnh phúc hơn những buổi chiều đi dọc bờ Hương thấy bước chân mình nhẹ nhàng hơn. Ngắm nhìn thành quách giăng mắc màn mưa, rêu phong màu cổ độ. Những búp sen trôi dạt, thương hồ ngơi nghỉ! Mưa làm ướt áo ai, dìu dặt những bước chân… theo miết ta như một hoài niệm.
Nguyễn Thị Nga