Bãi Ngự - Hòn Củ Tron
Trên đường ra khơi, tàu thường ghé qua Hòn Tre và Hòn Sơn, để rước thêm khách trước khi tiến thẳng về Hòn Củ Tron. Tại quần đảo Nam Du, ngoài những hòn đông dân như hòn Củ Tron, hòn Ngang, hòn Mấu, số còn lại là hoang đảo hoặc chỉ có một vài gia đình sinh sống như hòn Nồm, hòn Dầu, hòn Đụng... mà đa số cư dân đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng bè.
Đảo lớn nhất ở quần đảo Nam Du là hòn Lớn, nay thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron. Tại đây du khách có thể tham quan nhiều thắng cảnh nổi tiếng như bãi Chệt, bãi Cỏ, bãi Ngự, bãi Giếng…, hay leo núi tham quan ngọn hải đăng, con “mắt biển” canh giữ cho vùng trời Tây Nam. Từ độ cao 309m, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh sẽ thấy quần đảo giống như một tuyệt tác của thiên nhiên, đẹp nhất là lúc bình minh hoặc ráng chiều.
Kế đến là xã Nam Du, bao gồm 10 hòn đảo nhỏ hoang sơ và quyến rũ. Trong đó, trù phú nhất là hòn Ngang với gần 1000 hộ dân, quanh năm sống bằng nghề đánh bắt. Các làng chài lúc nào cũng có tàu thuyền neo đậu và bè cá san sát bên nhau, trên bờ nhà sàn cọc tre nối tiếp giống như một bức tranh quê mộc mạc thanh bình. Về đêm, từ hòn Ngang nhìn ra khơi, du khách sẽ chứng kiến hằng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn lấp lánh trông như những chòm sao lung linh, càng làm tăng thêm sự huyền ảo, vắng lặng của một vùng biển đảo xa bờ.
Có thể nói, mỗi địa danh ở Nam Du đều mang một dáng vẻ riêng, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là ở hòn Đụng, hòn Ông, hòn Nốm Giữa… Tuy mỗi đảo chỉ có một, hai gia đình sinh sống nhưng nếu có dịp ghé thăm và ngủ đêm trên đảo, du khách mới tận hưởng cái cảm giác êm đềm, sâu lắng giữa biển khơi, nhất là được nghe bác Vương Ngọc Ánh, chủ đảo hòn Nồm Giữa kể lại cuộc đời ngang tàng, sóng gió và nỗi buồn cách trở quê hương của ông giống như những câu chuyện về Robinson huyền thoại.
Đến với Nam Du, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, mỗi món ăn đều có những hương vị đặc trưng vùng biển đảo, nhất là sò, ốc, mực. Du khách có thể tự ra bãi biển chọn mua rồi nhờ các quán ăn chế biến theo sở thích của mình. Sau mỗi chuyến đi trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của Nam Du.
Suốt hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, bà con ngư dân đã làm thay đổi bộ mặt Nam Du, biến một vùng đảo hoang vu trở thành một quần đảo sung túc, giàu đẹp và ngày càng thu hút đông du khách. Đến Nam Du, mới thấy hết nỗi gian truân vất vả của những con người đầu sóng ngọn gió, suốt đời phải đối đầu với “mặt biển chân mây”, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.
Hoài Phương