Từ Hà Nội ngược quốc lộ 6, chúng tôi lên tới đây, đã thấy sương ôm trọn đỉnh núi thiêng Ba Vì. Vào những bản Mường Đông Xuân, Tiến Xuân mới cảm nhận được vùng đệm văn hóa giữa cửa ngõ phía Tây thành Thăng Long xưa, nơi tận cùng miền châu thổ sông Hồng với khúc dạo đầu của nền văn hóa Việt Mường cổ.
Theo dấu xưa tìm vào nơi thành cổ xã Cao Thắng rộng gần bốn vạn mét vuông, gặp mái cổng xưa rêu phong một thời ngựa xe tấp nập với bao khanh tướng qua đây. Tòa thành ấy đã có tự thuở nào? Dấu tích thời nhà Mạc hay của một phong trào khởi nghĩa nào đó vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết rằng nó làm nên sự huyền bí cho vùng đất và lôi cuốn bước chân du khách. Bao đoạn tường thành nắng mưa nhưng những nét gạch vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ghé vào mái nhà nhỏ bên dòng suối, được ngồi bên bếp lửa ấm áp và thưởng thức bao món ăn lạ lẫm. Trên bếp lửa là chảo mỡ nóng, tay cô gái khéo léo đang xào món rau đắng đậm đà. gồm hoa đu đủ đực, hoa chuối rừng, rau tầm bóp… Dưới than hồng đã nghe tí tách ngô nếp nướng thơm, lại nghe bà cụ kể câu chuyện về hang núi Sáng ở mạn Cao Răm đã từng có những bộ hài cốt đươi ươi huyền bí. Nơi ấy cửa hang rất nhỏ, người ta phải lách vào rất khéo mới được. Ngày nay hai bộ xương đười ươi ấy đã được đem về bảo tàng lưu giữ nhưng đám trẻ trong thôn vẫn thường đến đó chơi với bao thích thú, tò mò. Đứng trước cửa hang, nghe người đàn ông Mường quắc thước kể gần đây còn có hang Chổ với những “tượng” đá tự nhiên nhìn rất lạ mắt. Nơi thì có hình con cá sấu đá, nơi lại hình linga để những cặp vợ chồng hiếm muộn đến đó cầu được con…
Lang thang qua các vùng núi non, các cánh đồng nơi phù sa sông Bưởi một thời bồi đắp, ngắm những mái nhà sàn cổ kính, chợt thấy bất ngờ bởi huyện lị giáp ranh với thủ đô vẫn còn giữ được những nét xưa đáng quý.
Bùi Việt Phương