6 giờ sáng, từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đi qua những cung đường quanh co để đến với bản Sin Suối Hồ. Hai bên đường, những rặng dã quỳ đã nở hoa vàng rộ. Gần 40 phút sau, chúng tôi có mặt tại bản. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là chợ phiên. Bà con đi chợ đông như trảy hội. Những cô gái, chàng trai trong trang phục truyền thống từ các ngả đường về chợ càng tô điểm cho không gian nơi đây nhiều sắc màu.
Chợ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, bán nhiều đặc sản của núi rừng vùng cao như: mật ong, măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp nương hay đơn giản là vài mớ rau rừng còn ướt đẫm sương đêm. Ngoài ra còn có những sản phẩm thủ công là váy, áo, khăn... do các bà, các mẹ tự tay thêu dệt. Bạn có thể mua hoặc thuê một bộ trang phục dân tộc để chụp ảnh lưu niệm, mua những chiếc khăn, túi, mũ để làm quà.
Đến chợ Sin Suối Hồ, tôi nhận thấy người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi, dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá.
Sau khi tham quan chợ, theo lời trưởng bản, chúng tôi chọn quán phở lợn đen phía trong chợ để ăn sáng. Bát phở thơm hương vị thảo quả kết hợp với thịt và móng giò lợn bản, được chủ quán chế biến theo phở Mông truyền thống. Tuy không quá bắt mắt, nhưng miếng đầu đã khiến chúng tôi thích ngay... Móng giò ninh bằng bếp củi, không quá kỹ, thịt có miếng dày miếng mỏng, những miếng càng dày, càng đậm vị ngọt, thơm...
Sau bữa sáng, chúng tôi dạo trên những con đường trải bê tông, tận hưởng mùi thơm của các loại hoa địa lan. Ở đây, nhà nào cũng trồng địa lan, nhà ít thì khoảng 100 chậu, nhà nhiều thì 700 - 800 chậu. Có những chậu đã nhú những nhành hoa đầu tiên chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ kể: "Vài năm gần đây, hoa địa lan đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho bà con trong bản. Hoa được đưa xuống thành phố, về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi nhờ bà con quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội, rồi dần dần có thương hiệu địa lan Sin Suối Hồ. Hoa cũng tạo nên cảnh quan rực rỡ, hỗ trợ cho loại hình du lịch của bản ngày càng phát triển".
Trên đường, chốc chốc chúng tôi bắt gặp những vườn rau được bà con trồng và ghi tên chủ nhà một cách tỉ mỉ. Bản Sin Suối Hồ sạch, nhà nào cũng làm chuồng chăn nuôi, không có tình trạng gia súc gia cầm thả rông. Trên đường đi, bà con làm nhiều giỏ đựng rác bằng mây, tre với dòng chữ "Tôi xin rác" để giữ gìn cảnh quan. Ngoài ra, một ấn tượng khó quên với tôi là người Mông nơi đây rất hiếu khách, cứ gặp nhau là họ nở nụ cười.
Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi men theo con đường đá cổ rêu phong để khám phá thác Trái tim. Những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, bên dưới là bạt ngàn thảo quả đang vào vụ thu hoạch... làm chúng tôi thích thú. Những chiếc cầu tre, ghế đá được bà con thiết kế để du khách nghỉ chân hay check-in cũng thật đẹp. Chỉ trong chốc lát, thác Trái tim đã hiện ra trước mắt, mang đến cho mỗi người trong đoàn những xúc cảm tuyệt vời về tình yêu thiên nhiên.
Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm những ngôi "Nhà tổ chim". Vào chiều tà, nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc. Với diện tích khoảng 7m2, nhà tổ chim có chỗ sinh hoạt cá nhân đầy đủ, tiện lợi, có bình nóng lạnh và có wifi riêng. Xung quanh là những chậu địa lan đẹp nhất do chính người dân trong bản lựa chọn bày trí.
Đến bữa tối, chúng tôi dùng các món ăn mang đậm bản sắc, hương vị truyền thống của đồng bào Mông Tây Bắc như thịt lợn treo gác bếp xào rau cải mèo, rau hạt tiêu rừng, gà quay mật ong, thịt lợn nướng, cá trắng hấp, măng xào lá chanh, nộm hoa chuối, cá suối, canh bí nương... Nguồn thực phẩm cũng đảm bảo tươi, ngon, an toàn và luôn có sẵn, do trưởng bản phân công cho các hộ trồng để cung cấp cho những hộ mở dịch vụ homestay.
Đêm giao lưu văn nghệ tại nhà trưởng bản giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn văn hóa của đồng bào Mông. Tôi thấy bồi hồi khi tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, xao xuyến khi tiếng khèn cất lên. Ngắm nhìn bước chân cô gái Mông dập dìu bên người bạn tình trong tiếng cười giòn giã, chẳng ai muốn rời bước. Gần 12 giờ đêm, chúng tôi mới nghỉ. Những cái nắm tay thân tình, ánh mắt trao nhau giữa đồng bào dân tộc với các thành viên trong đoàn vẫn còn lưu luyến.
Sin Suối Hồ luôn có sức hút lạ kỳ với du khách khi đến trải nghiệm. Ai đã từng đến đây sẽ khó quên tình đất và tình người nơi này. Nếu có thời gian, bạn có thể ở lại thêm để trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông, khám phá và săn mây trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam, ngắm toàn cảnh thung lũng hoa dã quỳ, các thửa ruộng bậc thang trải dài đến sườn núi...
Phương Lan