Mỗi khách sạn, địa điểm họp phục vụ hội nghị ASEAN 2020 đều có tổ y tế thường trực 24/24h
Tham gia Đoàn kiểm tra tiền trạm còn có lãnh đạo, chuyên viên Sở Y tế Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng. Đoàn đã kiểm tra 4 khách sạn phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Đà Nẵng là khách sạn Furama, khách sạn Sheraton, khách sạn Pulman và khách sạn Nalod.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các thành viên làm việc với các khách sạn về bố trí phòng trực cho cán bộ y tế , phòng cách ly tại chỗ, công tác phòng chống dịch, vệ sinh phòng họp, phòng nghỉ...
Chiều cùng ngày, Đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND Thành phố Đà Nẵng và Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng nhằm bàn các biện pháp phối hợp tốt nhất để bảo đảm an toàn về sức khỏe cho các đại biểu và khách mời, người phục vụ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).
Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 36/BYT-KCB về công tác bảo đảm y tế các Hội nghị ASEAN 2020 trong tháng 2/2020 gửi Uỷ ban Quốc gia ASEAN 2020. Theo đó, các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 trong tháng 02/2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế đã hướng dẫn và thông tin về các phương pháp tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nguy cơ nhiễm COVID-19 đối với các đại biểu, khách mời, phóng viên, báo chí, cán bộ nhân viên tham dự, phục vụ các Hội nghị năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.
Công văn của Bộ Y tế cũng cho biết khi các đại biểu, khách mời, phóng viên đến từ các quốc gia có dịch bệnh COVID-19 tới sân bay được sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh, thành phố có sân bay đã bố trí Tổ Kiểm dịch Y tế Quốc tế thường trực phối hợp với các cơ quan liên quan sẽ xử lý các tình huống nếu phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phát hiện được tại cửa khẩu...
Tại các khách sạn và địa điểm họp đều bố trí 01 Tổ Y tế thường trực 24/24h, mỗi Tổ Y tế gồm: 02 Bác sĩ (chuyên khoa tim mạch và cấp cứu, 02 điều dưỡng, 01 lái xe và 01 ô tô cứu thương bảo đảm sức khỏe cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh COVID-19. Thành phần của mỗi đội cơ động gồm: 01 lãnh đạo Bệnh viện, 01 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 01 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn và 01 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm, 01 lái xe và ô tô cứu thương với đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, o xy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, thường trực sẵn sàng và thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và của Tiểu ban An ninh- Y tế ASEAN 2020.
Cũng tại công văn này, Bộ Y tế cho biết, khi có người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương; trong trường hợp người cách ly được xác định dương tính với COVID-19, các triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ và trung bình sẽ giữ để điều trị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng, vượt quá khả năng chuyên môn điều trị tuyến tỉnh thì phải chuyển ngay lên lên tuyến Trung ương theo phân tuyến điều trị.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh sẽ được chuyển đến: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: suckhoedoisong.vn