Kiến nghị miễn visa hàng loạt thị trường để kích cầu du lịch khi dịch Corona được khống chế
Thưa ông, hiện rất nhiều DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển, dịch vụ… tỏ ra rất hoang mang do các hoạt động du lịch hầu như bị ngưng trệ do diễn biến của dịch nCoV ngày càng phức tạp, trước tình hình này, VITA có khuyến nghị gì đối với các DN?
Tôi cho rằng, đây là thời điểm các DN cần tập trung để “xốc” lại DN của mình, cụ thể là quan tâm đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, đây là vấn đề quan trọng mà lâu nay nhiều DN xem nhẹ, bỏ trống mảng đào tạo nguồn nhân lực, đây là lúc nên tranh thủ.
Thứ hai là sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm du lịch, thực tế thời gian qua rất nhiều nơi xuống cấp từ điểm tham quan đến các cơ sở đón khách, về đường sá, hạ tầng giao thông … nhưng chưa được quan tâm sửa chữa, có thể do thời kỳ cao điểm đông khách nên chưa có thời gian sửa chữa nâng cấp, thì thời điểm này nên chú trọng.
Tiếp đó là công tác nghiên cứu thị trường, có thể nói thế này, thời gian qua công tác nghiên cứu thị trường cũng đã bị “bỏ quên” khá nhiều, các DN chủ yếu tập trung khai thác thị trường sẵn có. Chúng ta phải hài hòa, phải có nhiều thị trường khách cùng lúc thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững được, đây là lúc thích hợp để tập trung vào nghiên cứu thị trường. Trong thời gian khủng hoảng thì việc đầu tư nghiên cứu là rất quan trọng, bởi có thể tập trung trí tuệ tập thể, rút kinh nghiệm từ thực tế những thị trường đã làm từ trước, từ đó có những kế hoạch cụ thể, để đến khi dịch virus kết thúc có thể bắt tay triển khai ngay.
Lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm, điều này cho thấy cơ cấu thị trường khách có sự mất cân đối khá lớn. Ông có cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần xác định các thị trường nguồn khác?
Đúng vậy! Như tôi đã nói ở trên, trước đây nhiều DN chỉ tập trung vào một thị trường, trong khi có rất nhiều thị trường tiềm năng. Chúng ta có nhiều thị trường nguồn mới nhưng chưa được coi trọng lắm trong quảng bá xúc tiến khai thác thị trường. Thứ nhất là thị trường Mỹ, năm 2019 có khoảng 95 triệu người dân Mỹ đi du lịch trên khắp thế giới, do đó đây là thị trường cần quan tâm thu hút khách. Thị trường Úc cũng hết sức tiềm năng với Du lịch Việt Nam, các thống kê cho thấy những năm gần đây khách Úc đến Việt Nam du lịch ngày càng tăng nhanh, rồi thị trường Nhật Bản chúng ta mới đón chưa đầy 1 triệu lượt khách/năm, con số này quá nhỏ so với một đất nước hàng năm có từ 17 đến 20 triệu dân đi du lịch. Nhu cầu du lịch của khách Nhật rất lớn, vì vậy cần đẩy mạnh khai thác, cần đặt vấn đề thị trường quan trọng đối với Du lịch Việt Nam bên cạnh thị trường chủ đạo là thị trường Trung Quốc mà chúng ta đang khai thác.
Song song với những thị trường gần Đông Nam Á phải mở rộng những thị trường lớn đã đề cập ở trên, ngoài ra nhiều thị trường khác như Canada, Ấn Độ…, những việc này cần phải được quan tâm tại thời điểm này.
Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho một loạt thị trường để kích cầu du lịch, thu hút khách đến… tất cả những việc đó phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để khi dịch được khống chế, kết thúc thì những quyết định của Chính phủ sẽ hỗ trợ ngay lập tức cho ngành Du lịch khôi phục các hoạt động.
Vấn đề nóng nhất các DN đang đối mặt là sự khó khăn về tài chính, VITA có đề xuất tháo gỡ ra sao, thưa ông?
Trước hết, cần phải thực hiện những biện pháp đã được nêu trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đó là chính sách thúc đẩy du lịch, cụ thể hơn trong thời điểm này là vấn đề tiền điện, tiền nước, thuế đất đối với các cơ sở lưu trú du lịch…, đây là những vấn đề được nêu rất cụ thể, đề nghị các cấp các ngành ủng hộ và triển khai ngay lập tức, không thể vì những lý do rất “trên trời” mà trùng trình thêm gây ảnh hưởng đến hoạt dộng du lịch. Tôi cho rằng những việc này vừa qua chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Bên cạnh đó, chúng ta đã từng làm trước đây khi hoạt động du lịch gặp khó do thiên tai dịch bệnh, như miễn thuế VAT, giảm thuế cho các DN bị thiệt hại.
Vấn đề nữa là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trước đến nay DN phải tự lo là chính, thì nay trong thời gian không triển khai được công tác xúc tiến, các hoạt động du lịch vì dịch bệnh, nên chăng những nguồn kinh phí của nhà nước cấp cho các địa phương có thể dành ra một phần để bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân lực du lịch. Những hỗ trợ này không lớn, nhưng có tác dụng thiết thực, trực tiếp hỗ trợ cho DN để khi dịch Corona kết thúc các DN có thể vào việc ngay với tâm thế sẵn sàng…
Bên cạnh các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch nCoV trước mắt, chúng tôi hướng tới tập trung nguồn lực và trí tuệ của toàn ngành để khi dịch vừa chấm dứt thì có thể khôi phục sớm nhất hoạt động của ngành Du lịch. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ ngay tại thời điểm này.
Xin cảm ơn ông!
Viễn Nguyệt (thực hiện)