Mô hình du lịch cộng đồng – sinh kế cho đồng bào dân tộc tại vườn quốc gia Cát Tiên
Bằng lăng tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ảnh: TH
Ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tà Lài phát biểu: “Lần đầu tiên trên địa bàn xã có một công trình mang đầy ý nghĩa văn hóa đồng thời lại có giá trị kinh tế như nhà đón tiếp khách du lịch Tà Lài. Đây thực sự là một tin vui và cũng là mong đợi của bà con trong xã vì du lịch cộng đồng sẽ tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương, giúp giảm sức ép và phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giúp bà con nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cảnh quan và góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Mạ, S’tiêng và Tày đang sinh sống tại đây.”
Mô hình du lịch cộng đồng tại Tà Lài là một trong những hoạt động chủ chốt của dự án phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn ở Việt Nam do WWF triển khai từ năm 2008 với đối tác thực hiện là VQG Cát Tiên. Một trong những thành công của dự án là đã giúp người dân tích cực tham gia vào quá trình phát triển ý tưởng, lập kế hoạch tới trực tiếp tham gia xây dựng và vận hành nhà đón tiếp khách du lịch. Để làm được việc đó thì cộng đồng địa phương đã được dự án hỗ trợ đào tạo nhiều kỹ năng cần thiết liên quan đến nghiệp vụ du lịch như đón tiếp phục vụ khách, nấu ăn, hướng dẫn; dự án cũng đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc khuyến khích các dân tộc thiểu số làm kinh tế, qua đó Tổ hợp tác ở Tà Lài có tư cách pháp nhân để điều hành các hoạt động du lịch ở địa phương và hợp tác với các công ty du lịch chuyên nghiệp.
VQG Nam Cát Tiên. Ảnh: Công Thành
Ông Phạm Hồng Nguyên, Điều phối viên của Chương trình Nam Trường Sơn, WWF - Việt Nam chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ xây dựng và quản lý Nhà đón tiếp khách du lịch cho cộng đồng địa phương, chúng tôi cũng hỗ trợ nâng cao năng lực để phát triển du lịch sinh thái cho các cán bộ ở Vườn, nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt là nhận thức và giáo dục môi trường cho khách du lịch. Cũng trong khuôn khổ dự án, lần đầu tiên VQG đã xây dựng một hệ thống giám sát tác động của du khách lên tài nguyên thiên nhiên, nhằm cung cấp thông tin cho VQG có những điều chỉnh phù hợp để du lịch không gây tác động có hại cho môi trường. Bên cạnh mô hình Nhà đón tiếp khách du lịch ở tà Lài, chúng tôi cũng hỗ trợ người dân ở xã Đăk Lua xây dựng mô hình Du lịch tại nhà.”
Tọa lạc trên một quả đồi cao thoai thoải gần khu định cư mới của người S’tiêng và sát ngay bìa rừng của VQG Cát Tiên, Nhà đón tiếp khách du lịch cộng đồng (người địa phương quen gọi là nhà dài) có diện tích 125m2 và được xây dựng hoàn toàn bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, lá kè, mây. Phía trước nhà dài là khoảng sân rộng hơn hơn 100m2 được cây cao che mát. Một đầu hồi của nhà dài nhìn xuống đập Vàm Hô thơ mộng và tĩnh lặng. Công trình là kết quả lao động hăng say của cộng đồng người dân Mạ, S’tiêng và Tày - những người đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập kế hoạch và thực hiện việc xây dựng nhà dài; đặc biệt, quá trình chọn địa điểm cho Nhà dài đã được các chuyên gia về du lịch sinh thái và các công ty du lịch tư vấn để chọn một vị trí phù hợp nhất.
Anh K’yếu, người dân tộc Mạ ở ấp 4 tâm sự “Khi nghe dự án nói về du lịch dựa vào cộng đồng, bà con chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có cơ hội để tăng thêm thu nhập, còn lo vì đã bao giờ làm du lịch gì đâu. Nhưng dần dần với sự giúp đỡ của cán bộ dự án cùng lãnh đạo xã, chúng tôi được trực tiếp thảo luận và quyết định địa điểm cũng như kiểu dáng của nhà dài. Bên cạnh đó, dự án còn mời chuyên viên từ thành phố xuống mở các lớp nấu ăn, lớp văn nghệ, lớp lễ tân để bà con trong ấp làm quen với du lịch chuyên nghiệp.”
Cây dầu dái - loài cây đặc trưng của rừng Đồng Nai. Ảnh: TH
Một thành công nữa mà dự án gặt hái được là đảm bảo tính bền vững của nhà dài bằng việc xây dựng và củng cố sự hợp tác giữa cộng đồng và khối doanh nghiệp. Cụ thể, công ty du lịch Vietadventure sẽ đồng quản lý nhà dài trong thời gian tới. Như vậy người dân có thể trực tiếp học hỏi kinh nghiệm thực tế, đồng thời Vietadventure sẽ giúp nâng cao năng lực cho người dân trong quá trình hợp tác cho đến khi người dân có thể tự tiến hành công việc kinh doanh. Tuy nhiên để mô hình hoạt động hiệu quả nhất, cần có sự đồng lòng, nhất trí và hỗ trợ của các ban ngành cũng như chính quyền địa phương, các công ty du lịch, và đặc biệt là ý thức và quyết tâm của người dân xã Tà Lài trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên của khu vực.
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn được đánh giá cao nhất, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hòa hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo việc sử dụng bền vững những tài nguyên có thể tái sử dụng, và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.
Nguyễn Vũ