Tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” tập trung trao đổi các vấn đề cấp thiết trong việc mở cửa nội địa và quốc tế một cách toàn diện, an toàn, hiệu quả đối với ngành Du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đặc biệt sau khi Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ sau ngày 15/2 và Chính phủ đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.
Tọa đàm được chia thành hai phiên, phiên 1, thảo luận nội dung “Bối cảnh và thời cơ” với những phân tích về nhu cầu cấp thiết trong việc sớm mở cửa quốc tế một cách toàn diện đối với ngành Du lịch; cập nhật các thông tin mới nhất về lộ trình mở cửa toàn diện, an toàn, đặc biệt đối với thị trường quốc tế trong giai đoạn tới… Phiên thứ 2, với chủ đề “Sẵn sàng nguồn lực” đi sâu phân tích sự chuẩn bị cụ thể của địa phương và doanh nghiệp trong đón sóng du lịch quốc tế. Các đại biểu, đại diện doanh nghiệp cùng nhau đưa ra ý kiến đóng góp hoặc đề xuất cụ thể về quy trình và phương án mở cửa mà cơ quan quản lý đang bàn thảo.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn lại, trong những năm qua, ngành du lịch Bình Định đạt được nhiều kết quả với cơ sở hạ tầng phát triển, chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao, bước đầu hình thành địa bàn và khu du lịch trọng điểm. Tính đến cuối năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, lượng khách du lịch đến tỉnh đã đạt 4,8 triệu lượt, tăng hơn 16% so với năm trước với doanh thu từ các ngành liên quan đóng góp hơn 17% tổng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, từ những tháng đầu 2020, du lịch của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, cả năm 2020, cả tỉnh đón trên 2,2 triệu lượt khách, giảm 50%, doanh thu đạt 2.369 tỷ, giảm 50% so với năm trước. Sang năm 2021, lũy kế 10 tháng, cả tỉnh đón 1,3 triệu khách, doanh thu chỉ còn 1.616 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.
"Chúng ta đang trải qua một đại dịch chưa từng có, được đánh giá là điều tồi tệ nhất đối với ngành du lịch thế giới từ năm 1930 đến nay. Dù vậy, tới thời điểm hiện tại, khi tỷ lệ tiêm vaccine đã được bao phủ, Chính phủ quyết tâm tái khởi động nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, ngành Du lịch theo đó cũng đã có những bước đi đầu tiên. Tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” có ý nghĩa thiết thực với cơ quan quản lý nhà nước, sớm thống nhất chủ trương để đưa ngành kinh tế sớm phục hồi, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, ông Giang nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, Du lịch mở cửa sẽ kéo theo sự mở cửa của nhiều ngành nghề khác. Không chỉ ở Việt Nam khi ngành Du lịch bị ảnh hưởng thì các ngành khác cũng bị ảnh hưởng mà ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Trong bối cảnh đó, được sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Chính phủ đã rất nhanh chóng đưa ra quyết định mở cửa lại hoạt động du lịch. Điều này thể hiện sự lắng nghe người dân, doanh nghiệp của Chính phủ.
Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh: “Người dân khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành Du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước”.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch. Nhất là so với quốc tế, việc mở của của Việt Nam chậm hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân là bởi, Việt Nam vẫn rất thận trọng khi phát ngôn, tuyên bố mở cửa. Nếu Chính phủ không thể hiện quyết tâm mở cửa thì người dân không thể theo. Mặt yếu nữa là thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các địa phương, như các chính sách cách ly đối với người dân, chính sách xuất nhập cảnh của khách du lịch.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc FLC Biscom nói, đây là tín hiệu tích cực để địa phương và các doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động, cùng góp phần phục hồi ngành Du lịch. Theo ông Hùng, ở thời điểm này một quy trình đồng bộ giữa các địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán trong chính sách là những yếu tố cần thiết mà cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang chờ đợi để du lịch mở cửa lại. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch, trong đó có Bình Định.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều khách mời cũng cho rằng, với nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, hình ảnh Việt Nam đã được lan tỏa trong cộng đồng quốc tế nên doanh nghiệp, người dân hoàn toàn có thể tự tin với quyết định mở cửa của Chính phủ. Minh chứng là trong dịp Tết Nguyên đán, lượng người dân đi du lịch hùng hậu, với hơn 6 triệu lượt khách chỉ trong vỏn vẹn 9 ngày nghỉ. Điều này cho thấy, người dân đã sẵn sàng hưởng ứng. Tuy nhiên, giải pháp và phương hướng nào để đón dòng khách quốc tế và nội địa cũng là vấn đề cần bàn luận.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong thời gian vừa qua chúng ta đã nhìn thấy tác động to lớn của ngành Du lịch đến các ngành nghề khác, nên cần khôi phục lại các hoạt động du lịch càng sớm càng tốt. Để có thể mở cửa lại du lịch toàn diện trong điều kiện bình thường mới, chúng ta đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Trong đó, chúng ta đã thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11 và đã đón khoảng 9.000 lượt khách, con số này tuy không lớn nhưng là dấu hiệu đáng mừng. Trong khi đó, thị trường du lịch nội địa cũng có sự khởi sắc khi chỉ trong 9 ngày tết đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách với doanh thu 25.000 tỷ đồng.
Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội mở cửa trở lại rất lớn khi mà Việt Nam với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai và qua hai năm dịch bệnh COVID-19 người dân đã có ý thức phòng chống dịch,…
Để mở cửa lại hoạt động du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đặt ra một số giải pháp: (1) Vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch, để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. (2) Vấn đề tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế, làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh. (3) Vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến; trước đó, Việt Nam đã miễn visa song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ và đơn phương cho 13 quốc gia… (4) Vấn đề công nhận hộ chiếu vacxin. (5) Vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch. (6) Vấn đề cạnh tranh điểm đến, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Theo đó, làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. (7) Cuối cùng là vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, cần tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Lâm Hải Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định điểm lại những băn khoăn, trăn trở cũng như những ý kiến gợi mở nhiều hướng đi mới của các khách mời. Đứng về phía doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, ở mỗi góc độ sẽ có góc nhìn khác nhau; tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta tìm ra được hướng đi chung, trên cơ sở đánh giá tình hình, điều kiện hiện tại để mang lại hiệu quả tốt nhất.
"Chúng ta chậm nhưng chắc. Đối với tỉnh Bình Định, ngay khi Chính phủ có Nghị quyết 28, Bình Định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Sẵn sàng ở đây không chỉ là quyết tâm chính trị, mà là sẵn sàng hành động. Với sự quyết tâm, đồng lòng, chúng ta sẽ mở cửa thành công, mang lại hiệu quả cao", ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
Khôi Nguyên