Báo cáo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước ngày càng được quan tâm. Các dịch bệnh thường gặp ở trẻ em, học sinh và ngộ độc thực phẩm giảm mạnh. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe trong nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 2/10/2021, Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm hành động của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xây dựng nền tảng phát triển bền vững, góp phần mang đến những thay đổi tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Đại diện các địa phương và tổ chức tham dự sự kiện đã phát biểu ý kiến thể hiện quyết tâm hành động và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình nhằm mang đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, học sinh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nền nếp và ngày càng có chất lượng. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành Giáo dục và các bộ, ngành liên quan, trong thời gian qua, nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc xây dựng, chỉ đạo thực thi chính sách, huy động được các nguồn lực trong xã hội… Điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức, cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cá nhân, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu của chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông; chú trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn; thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về vấn đề chăm sóc sức khỏe học đường. Đồng thời, quan tâm phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường, tăng cường các hoạt động thể chất cho trẻ em, học sinh nhằm nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh học đường và bệnh không lây nhiễm trong trường học.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương, các bộ, ngành triển khai Chương trình sức khỏe học đường theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với tinh thần chung là coi việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế là nòng cốt. Đồng thời, có khảo sát, đánh giá kỹ để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; chú trọng dạy kỹ năng sinh tồn; giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước; cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em; giảm tải chương trình học, nhất là ở cấp tiểu học; tổ chức mở cửa trường học gắn liền với công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và chương trình ký kết phối hợp giữa hai bên. Đây là dấu mốc hết sức quan trọng để 2 Bộ, tiến hành cùng hợp tác giữa ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Giáo dục - Đào tạo. Bộ trưởng nêu rõ: xét về bản chất văn hóa có chức năng giáo dục, là một trong những nội dung của giáo dục và cũng là mục tiêu của giáo dục. Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục là quốc sách, văn hóa đang thực hiện sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi mà Bác Hồ kính yêu đã khẳng định. Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng theo chức năng nhiệm vụ được giao, hai Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, giáo dục, tập trung cho lứa tuổi thanh thiếu niên các em học sinh, sinh viên những chủ nhân tương lai của đất nước vì vậy chúng tôi nhận thức một cách đầy đủ rằng việc hai Bộ tiến hành ký kết chương trình phối hợp nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục quan tâm, phối hợp thực hiện hai nhóm nhiệm vụ mà trong chương trình đã xác định: Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng hành, ủng hộ chủ đề năm công tác của Bộ VHTTDL về năm văn hóa cơ sở để tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường để trường học trở thành trung tâm văn hóa giáo dục rèn luyện con người về ý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Thứ hai, thực hiện nguyên lý giáo dục gắn chặt giữa nhà trường, gia đình và xã hội để xây dựng một thế hệ học sinh sinh viên theo hướng bồi dưỡng về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, hiểu biết sâu sắc và tự hào, tôn vinh lịch sử và văn hóa dân tộc cho các em học sinh, sinh viên, hướng tới giá trị chân thiện mỹ, giáo dục về nghệ thuật để năng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, nâng cao thể lực, tầm vóc của con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức.
Tại sự kiện cũng đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026 và lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTTDL giai đoạn 2022-2026.
Tuấn Hải