Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1967) sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, anh tốt nghiệp Khoa chế biến món ăn - Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội rồi lập nghiệp tại thủ đô. Trước khi đến với nghề nấu ăn anh đã từng trải qua nhiều nghề khác như thợ kim hoàn, thợ cơ khí, thợ điện, thợ phân kim vàng, sửa thiết bị trong nhà hàng Nhật Bản, nhân viên bồi bàn, quản lý... nhưng rồi do một sự ngẫu nhiên, duyên nghiệp đã đưa anh đến với nghề bếp và anh may mắn được “tổ nghề” giữ lại luôn ở đó (nếu nói vui thì có lẽ bởi “tổ nghề” không nỡ chia tay với một người “sinh ra để làm đầu bếp” như anh). Ban đầu, anh bị lôi cuốn bởi hương vị và sự tinh tế trong cách chế biến các món ăn Nhật Bản. Xứ phù tang không chỉ nổi tiếng với những món truyền thống như sushi, sashimi mà còn có những món ăn du nhập từ nơi khác đến và được người Nhật Bản nâng lên thành đỉnh cao.
Trò chuyện cùng Minh Masterchef (nghệ danh của chuyên gia ẩm thực Nguyễn Văn Minh), lắng nghe anh tâm sự chuyện nghề, mới thấy không phải tự nhiên anh có thể trở thành một đầu bếp có tiếng như ngày hôm nay, lại càng tin rằng có lẽ đối với bất kỳ ai cũng vậy, nếu muốn được “nghề lựa chọn mình” thì bản thân mình phải lựa chọn và yêu nghề trước.
|
Tepppanyaki có thể nói là một bộ môn nấu ăn đặc biệt mà người Nhật Bản đã có công phát hiện và phát triển thành một bộ môn nấu ăn nghệ thuật. Teppanyaki có nghĩa là nướng trên mặt thép. Cách thức người đầu bếp vừa nấu vừa biểu diễn món ăn giúp thực khách không chỉ ăn ngon bằng miệng mà thật sự còn ngon bằng mắt. Nếu có dịp thưởng thức món cá hay món bò kobe, chắc chắn thực khách cũng sẽ khó quên bởi độ thơm ngon tan chảy trong miệng… Masterchef Nguyễn Văn Minh tự nhận thấy bản tính cẩn thẩn, sạch sẽ và yêu thích sự hoàn thiện của anh rất phù hợp để có thể thành công với các món ăn Nhật Bản.
Nhìn Minh Masterchef mặc trang phục truyền thống Nhật Bản trình diễn chế biến món Teppanyaki theo phong cách kết hợp cả bar và bếp, không thực khách nào không cảm thấy thích thú. Trong tay anh, những dao, dĩa, xẻng, ống tiêu... không còn là dụng cụ nhôm, sắt, inox vô cảm lạnh lùng mà đã trở thành những đạo cụ sân khấu; món ăn không chỉ để no mà còn để thưởng thức, trầm trồ bởi chúng thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc; và không gian ẩm thực bỗng hóa thành không gian của những trải nghiệm mới lạ khơi dậy bao cảm hứng. Để có thể trình diễn đẹp mắt nhưng vẫn an toàn và đảm bảo độ tươi ngon của món ăn, chắc chắn người đầu bếp như anh phải có kỹ năng rất điêu luyện.
Minh Masterchef chia sẻ, cũng có lúc cảm thấy không chịu được áp lực công việc trong khi thu nhập thời kỳ khởi nghiệp chẳng là bao, anh định quay về làm thợ kim hoàn, nhưng rồi sự yêu mến, động viên của khách hàng, bạn bè đã tạo động lực kéo anh tiếp tục bước đi và đưa anh đến với thành công. Anh đã trở thành tổng bếp trưởng của một nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng nhất nhì Đông Nam Á, của những khu resort, nhà hàng lớn. Đặc biệt, Nguyễn Văn Minh thường được mời chịu trách nhiệm nấu những bữa tiệc quan trọng dành cho các vị chính khách hay các nghệ sĩ có tên tuổi như nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các lãnh đạo cao cấp trong Bộ Công An... Đối với anh, đó là niềm vui, niềm tự hào lớn, là trách nhiệm cao cả bởi những bữa tiệc quan trọng ấy không chỉ đòi hỏi cao về kỹ thuật mà còn yêu cầu tuyệt đối về sự an toàn, và khi được lựa chọn có nghĩa anh là người được tuyệt đối tin tưởng.
Nguyễn Văn Minh cũng từng làm giám khảo của chương trình Masterchef Việt Nam. Không chỉ thế, anh còn có khả năng set up các nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Âu, Á một cách chuyên nghiệp.
Hơn 26 năm gắn bó với ngành ẩm thực, Minh Masterchef không chỉ dừng lại ở món ăn Nhật Bản mà anh còn có khả năng nghiên cứu tạo ra nhiều món đặc biệt của Việt Nam, Âu, Mỹ, Trung Hoa... Để giữ vững uy tín, anh luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, bắt đầu từ việc lựa chọn nguồn thực phẩm tươi sạch, đặc trưng của các địa phương để sáng tạo ra những món ngon và độc đáo. Anh cho rằng, nếu người đầu bếp không thực sự đam mê và sáng tạo thì không thể làm nên những sản phẩm “đốn tim” thực khách. Hiện nay, hai “đứa con tinh thần” mà anh tâm đắc nhất là món ốc biển shinbashi và ruốc cá ngừ đại dương, đó đều là những món ăn độc quyền và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Riêng với sản phẩm ruốc cá ngừ đại dương, Công ty TNHH Đầu tư & Thương mại Nhật Việt MMC của anh sẽ làm đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đang bắt đầu được chào bán tới khách hàng.
Với uy tín không ngừng được nâng cao, không lạ khi Nguyễn Văn Minh tham gia vào nhiều tổ chức và nhiều hoạt động văn hóa ẩm thực. Hiện anh là thành viên của Hội Đầu bếp Nhật Bản khu vực phía Bắc, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, là đại diện hình ảnh của Công ty Fuji Việt Nam Food, phân phối lá tía tô xanh ở Việt Nam... Tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra vào cuối tháng tư đầu tháng năm, anh tham gia phục vụ, giới thiệu món cơm rang, mực nướng, tôm nước, ruốc cá ngừ đại dương… trong Không gian văn hóa ẩm thực Việt, góp phần mang tới cho nhân dân và du khách cơ hội khám phá những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Nguyễn Văn Minh vui mừng cho biết, anh vừa nhận quyết định của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cử anh sang Ấn Độ tham gia khóa đào tạo chế biến món ăn vào tháng 7/2019.
Điều đáng nói, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Văn Minh không ngần ngại chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho người khác. Anh đã đào tạo thành công cho nhiều người có đam mê nghề bếp, tham gia nấu ăn cho trẻ tự kỷ, làm từ thiện trong các bệnh viện... Để thực hiện được nhiều hơn những dự định, mong muốn tốt đẹp của mình, Nguyễn Văn Minh đã mở trung tâm dạy nghề chế biến món ăn nhằm tạo việc làm cho những người muốn phát triển sự nghiệp từ nghề bếp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc cũng như tiếp thu chọn lọc tinh hoa ẩm thực thế giới, trong đó việc dạy miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn là điều anh chú trọng. Anh cũng mong muốn giúp đỡ đầu bếp các trường mầm non, tiểu học nấu ra những món thơm ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh thật sự (chứ không phải chỉ là vệ sinh an toàn thực phẩm trên giấy tờ), góp phần tạo nền tảng sức khỏe vững chắc cho những thế hệ tương lai.
Nguyễn Văn Minh tâm sự: “Tôi mong rằng trong thời gian tới các cấp, ngành liên quan đến lĩnh vực khách sạn, nhà hàng sẽ quan tâm hơn nữa đến đội ngũ đầu bếp, bởi chỉ khi được đầu tư, tạo điều kiện tốt thì họ mới tạo ra được những sản phẩm thực sự chất lượng”.
Hồ Thảo
Tạp chí Du lịch tháng 5/2019