Xe chạy tới huyện lỵ Thanh Sơn, rồi Thanh Thủy, những làng xóm ven sông của hai tỉnh nhưng chẳng mấy khác biệt bởi màu xanh của ngô, lúa cứ mải miết. Đây cũng vẫn là vùng cư trú của đồng bào Mường, bởi thế chẳng khó nhận ra những mái nhà sàn thấp thoáng. Những làng Mường trải dài từ dãy Ba Vì vào tới xứ Thanh, trung tâm là “tứ đại Mường” cổ xưa, bởi thế chuyến đi này trải dọc một miền văn hóa.

Bấy lâu nay đã nghe danh dãy Ba Vì, một phần núi nằm ở đất Hòa Bình (ở hai huyện Lương Sơn và Kỳ Sơn) nhưng đến được với nơi “đất đầu rồng phát tích những vị vua đầu tiên” thì chưa có dịp nào. Chúng tôi ngỡ ngàng trước khu rừng ngút tầm mắt của khu căn cứ địa K9. Những thân cây vươn cao, thẳng tắp, ngỡ đang lạc vào một khoảng rừng của miền Tây Bắc mấy thập kỷ trước. Sự tĩnh lặng gợi không khí thiêng liêng của lịch sử. Thấp thoáng trong sắc xanh ấy là những màu áo lính, những người lính kế tiếp nhau giữ gìn sự bí mật, bình yên của khu căn cứ địa khi Bác Hồ và Bộ Chính trị bàn việc quân cơ. Thắp một nén hương nơi đền thờ Bác, ghé thăm những căn phòng, những ô cửa nơi Người đã từng làm việc, dưới chân, hàng ngàn, vạn viên sỏi như còn cất giấu những câu chuyện về vị lãnh tụ đã từng tập leo dốc rèn đôi chân khỏe mong một ngày vào thăm đồng bào miền Nam. Xa xa là những mũi đá nhọn sắc như chông đang vươn thẳng lên trời cao dũng mãnh. Đá chông gợi vẻ đẹp hoang sơ của một thời Đức Thánh Tản đương đầu với đội quân thủy quái, khiến du khách liên tưởng đến cái uy vũ của một vùng đất thiêng. Dưới bóng đá chông là đàn cá tung tăng bơi lội tựa như một bức tranh thu nhỏ của núi Tản - sông Đà. Cả dãy núi mang hình con rồng khổng lồ đang cúi xuống uống nước sông. Nơi đây tuy không phải chốn chùa chiền nhưng lòng người vẫn thấy lòng thanh tịnh.

Đi tiếp một quãng đường về phía Đầm Long, sẽ thấy mặt đầm tĩnh lặng bên rừng cây dần dần hiện ra. Giữa đầm là hình ảnh con rồng vàng đang vút lên cao được đắp nổi rất sinh động, xung quanh đó, trên những cành cây là đàn khỉ đang leo trèo. Thấp thoáng sau những thân cây là chú nai trong bóng chiều, gợi nhớ đến câu thơ “chú nai vàng ngơ ngác” của Lưu Trọng Lư. Du khách có thể bơi thuyền trên hồ, đi sâu vào cánh rừng yên tĩnh hay đến khu vui chơi dành cho người thích cảm giác mạnh.
Chiều về, mặt trời gác núi, lại theo con đường ven sông Đà trở về nơi xuất phát. Dường như, sau ngàn vạn năm bồi tụ, những hạt phù sa đỏ ngầu đã làm nên sự màu mỡ, sung túc của các làng quê dọc một miền trung du. Con sông ấy cũng là con sông thiêng với ngọn núi Tản là nơi phát tích của các vị vua Hùng, để từ đó, nền văn hóa Việt lan tỏa đi muôn ngả. Trong một ngày chẳng thể đi thăm hết thắng cảnh nơi này, bao truyền thuyết, huyền tích vẫn văng vẳng bên tai, hẹn một dịp khác lại được rong ruổi cùng sông...
Bùi Việt Phương
Tạp chí Du lịch